Khai báo như thế nào nếu xảy ra tai nạn hàng hải?
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:55, 08/02/2020
Bộ GTVT yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước lĩnh vực hàng hải và các hãng tàu tuân thủ, thực hiện nghiêm quy trình báo cáo tai nạn hàng hải - Ảnh minh họa
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 01 về quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.
Thông tư nêu rõ, quá trình báo cáo tai nạn hàng hải phải bao gồm các bước: Báo cáo khẩn, Báo cáo chi tiết và Báo cáo định kỳ.
Cụ thể, trong trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam, thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển phải gửi ngay báo cáo khẩn cho cảng vụ hàng hải (CVHH) nơi gần nhất. Trường hợp những người này không thực hiện được báo cáo thì chủ tàu hoặc đại lý tàu biển liên quan đến tai nạn có trách nhiệm báo cáo.
Cảng vụ hàng hải nơi gần nhất khi nhận được báo cáo khẩn hoặc biết tin về tai nạn hàng hải xảy ra phải chuyển ngay báo cáo/thông tin cho các cơ quan: CVHH được giao quản lý khu vực tàu xảy ra tai nạn; Cục Hàng hải VN; Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, nếu tai nạn gây hư hỏng, làm mất tác dụng các thiết bị trợ giúp hàng hải hoặc ảnh hưởng đến an toàn hàng hải của tàu thuyền.
Nếu tai nạn gây ra hoặc có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường hoặc tổn hại đến nguồn lợi thủy sản thì phải gửi báo cáo cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trường hợp tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển Việt Nam khi hoạt động trong vùng biển của quốc gia khác, thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biên hoặc chủ tàu phải báo cáo theo yêu cầu của quốc gia ven biển nơi tàu bị tai nạn và gửi ngay báo cáo khẩn cho Cục Hàng hải VN.
Nếu tai nạn thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu hoặc chủ tàu phải báo cáo cho cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại quốc gia ven biển nơi tàu bị tai nạn biết để hỗ trợ giải quyết.
Tiếp theo báo cáo khẩn, thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển phải tiếp tục gửi báo cáo chi tiết.
Trong đó, trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển và vùng nội thủy của Việt Nam, báo cáo chi tiết phải gửi CVHH được giao quản lý tại khu vực vùng nước đó trong vòng 24 giờ. Trường hợp không thể hoàn thành báo cáo chi tiết trong thời gian trên, phải tiến hành báo cáo bổ sung nhưng không chậm hơn 48 giờ kể từ khi tai nạn xảy ra.
"Trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển Việt Nam khi hoạt động ở vùng biển quốc tế và vùng biển của quốc gia khác, sau khi xảy ra tai nạn, tàu vào neo đậu tại vùng nước cảng biển Việt Nam, báo cáo chi tiết phải gửi CVHH được giao quản lý tại khu vực vùng nước đó trong vòng 24 giờ, kể từ khi tàu vào neo đậu tại vị trí được chỉ định.
Trường hợp sau khi xảy ra tai nạn, tàu không vào neo đậu tại vùng nước cảng biển Việt Nam, báo cáo chi tiết phải gửi Cục Hàng hải Việt Nam trong vòng 48 giờ, kể từ khi tàu hoặc thuyền viên của tàu bị nạn đến cảng ghé đầu tiên", thông tư nêu.
Bộ GTVT cũng yêu cầu, định kỳ 6 tháng và hàng năm, CVHH phải lập báo cáo gửi Cục Hàng hải VN về các tai nạn hàng hải xảy ra. Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải phải lập báo cáo bằng văn bản gửi Bộ về các tai nạn hàng hải để quá trình quản lý hoạt động hàng hải được kịp thời, hiệu quả.