Ngành Hải quan: Rà soát nguồn thu trong bối cảnh dịch Covid-19
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:32, 10/03/2020
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Quảng Ninh
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2020, ngành Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu là 338.000 tỷ đồng, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu là 354.000 tỷ đồng. Trong khi đó, dự toán thu ngân sách năm 2020 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6,8%; tổng kim ngạch XK tăng 7%, kim ngạch NK tăng 9%; các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang vào giai đoạn cắt giảm mạnh, một số FTA mới được ký kết và có hiệu lực trong năm 2020 với hầu hết nhiều dòng hàng có thuế suất thuế NK giảm xuống 0%.
Để đạt được mục tiêu trên trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp như hiện nay, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành căn cứ Chỉ thị số 1040/CT-TCHQ ngày 21/2/2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 và chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN đối với từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên cơ sở nhiệm vụ được giao, triển khai giao chỉ tiêu phấn đấu cho từng chi cục, đơn vị phụ trách.
Bên cạnh đó, cần tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu, đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp chống thất thu và dự kiến kết quả thu được. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu NSNN phù hợp với đặc điểm, tình hình tại cơ sở. Song song với đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các các đơn vị trong toàn Ngành tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế tại đơn vị; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết theo từng DN, tờ khai, tình trạng nợ thuế của DN, nguyên nhân chưa thu hồi được nợ, đưa ra biện pháp xử lý đúng quy định.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị đánh giá tác động ảnh hưởng tới thu NSNN của việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA; nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu NSNN; chủ động theo dõi, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 và các cam kết hội nhập quốc tế ảnh hưởng đến thu NSNN, nhằm đề xuất, báo cáo Tổng cục, Bộ Tài chính.
Đặc biệt, các đơn vị cần thường xuyên đối thoại với DN để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế; cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, thủ tục quản lý thuế, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm công tác hải quan - DN.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng XNK có điều kiện như rượu ngoại, xăng dầu... và giám sát chặt chẽ các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh. Qua đó, đấu tranh ngăn chặn tình trạng XK khống hàng hóa để được hoàn thuế GTGT, gian lận xuất xứ hàng hóa để trốn thuế.