5 bất cập đang “cản chân” ngành logistics Việt Nam
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:22, 18/03/2020
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho logistics là một trong những giải pháp khả thi thúc đẩy phát triển ngành logistics Việt Nam
Quy mô nhỏ, kém cạnh tranh
Bộ Công Thương vừa có báo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại về tình hình phát triển logistics tại Việt Nam.
Báo cáo nêu rõ, theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), trong thời gian vừa qua dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 14% - 16%, quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60% - 70%, đóng góp khoảng 4% - 5% GDP.
Năm 2019, các ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận và dịch vụ liên quan khác đều có mức tăng trưởng khả quan.
Hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó khoảng 70% tập trung ở TP. HCM và các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp chia làm 3 nhóm chính: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics (trung tâm logistics, kho bãi, cảng biển…) nhưng hoạt động còn đơn lẻ, chủ yếu hoạt động trong nước, chỉ phục vụ ở từng phân khúc nhấn định, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ logistics tích hợp. Rất ít doanh nghiệp logistics Việt Nam có hoạt động logistics ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ. Có tới 50% số doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đăng ký ở loại hình Công ty TNHH một thành viên. So với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam rất khó thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng làm việc.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động logistics của doanh nghiệp hiện còn ở mức rất khiêm tốn, chủ yếu tập trung lĩnh vực khai báo hải quan và theo dõi, giám sát phương tiện.
5 bất cập nổi cộm
Sau 3 năm triển khai Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, ngành logistics nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng đã có những bước tiến đáng ghi nhận, tuy nhiên Bộ Công Thương đánh giá vẫn tồn tại một số bất cập.
Thứ nhất, chưa khai thác hết được lợi thế địa lý kinh tế và tiềm năng của mỗi địa phương. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin… cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn thấp.
Thứ hai, một số quy định còn chồng chéo, tồn tại những thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp. Một số chính sách chưa kip thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn.
Thứ ba, theo Bộ Công Thương, chi phí dịch vụ còn cao vì nhiều nguyên nhân như hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động, hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt…
Thứ tư, công tác thống kê số liệu, đánh giá thực trạng phát triển logistics còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Số liệu thống kê là cơ sở quan trọng để có những nghiên cứu, đánh giá chính xác về thực trạng và đưa ra những đề xuất cơ chế, chính sách. Tuy nhiên hiện nay, việc thống kê số liệu và đánh giá tình hình phát triển logistics còn gặp nhiều khó khăn, chưa có sự đồng bộ, thống nhất.
Thứ năm, Bộ Công Thương chỉ ra, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về logistics còn hạn chế cả về nhân lực và trình độ. Nhiều cán bộ chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, hoạt động theo phương thức kiêm nhiệm nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Biên chế Nhà nước bố trí cho công tác quản lý về logistics còn hạn chế, thiếu hụt dẫn đến thường xuyên trong trình trạng quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng công việc được giao.
Để phát triển dịch vụ logistics đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chuyên ngành…
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho logistics, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ phát triển của thế giới; hỗ trợ hình thành một số doanh nghiệp logistics đầu đàn để định hướng dẫn dắt thị trường.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ quản lý doanh nghiệp có kinh nghiệm và chuyên môn cao đáp ứng được yêu cầu trong thời đại mới… cũng là một trong những giải pháp quan trọng được Bộ Công Thương đề cập tới.