Nhiều hiệp hội doanh nghiệp đồng tình chủ trương thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:19, 26/03/2020
Mô hình cải cách KTCN theo hướng cơ quan Hải quan sẽ là đầu mối sẽ tạo điều kiện nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp - Ảnh: T.ANH
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá cao quan điểm của Tổng cục Hải quan và khẳng định đồng hành với cơ quan Hải quan về phương pháp nêu tại đề án. Với số lượng văn bản quy phạm pháp luật về KTCN như hiện nay, cần phải giải “ma trận” này để tạo quan điểm về phương pháp quản lý hàng hóa XNK của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập có tính toàn diện, toàn cầu như hiện nay.
“Trong bối cảnh hội nhập đó thì không có cơ quan nào sát từ khâu đầu đến khâu cuối cùng, từ đầu vào đến đầu ra của doanh nghiệp như ngành Hải quan. Tập trung đầu mối cho cơ quan Hải quan là tốt nhất, điều đó sẽ giúp cho doanh nghiệp bớt đi các thủ tục, thời gian, chi phí, bớt các khâu KTCN của các sản phẩm”- đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Góp ý về những vấn đề trong KTCN hiện nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, cơ quan Hải quan cần tiếp tục đóng góp quan điểm của mình trong việc sửa đổi các văn bản về quản lý, KTCN, từ đó giúp loại bỏ các thủ tục không cần thiết tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời kỳ hội nhập.
Lấy ví dụ cụ thể về mong muốn cần cải cách hơn nữa, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nếu như trước đây, với đơn hàng từ 30.000 đến 50.000 sản phẩm, thời gian giao hàng từ 40-45 ngày sản xuất, nhưng nay doanh nghiệp chỉ có thời gian 20-25 ngày, thậm chí chỉ có 15 ngày sản xuất. Chính vì vậy, toàn bộ thủ tục hải quan, nhận hàng, kiểm tra, tổ chức sản xuất chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Để “chạy đua” với tiến độ hợp đồng đó thì điều kiện cần và đủ là các thủ tục, bước đi cần nhanh hơn nữa để tạo động lực cho doanh nghiệp hội nhập và chịu áp lực tại sân chơi toàn cầu.
“Ở góc độ doanh nghiệp, thủ tục càng ngắn gọn bao nhiều thì đó là lợi thế trên bàn đàm phán với khách hàng bởi như thế, doanh nghiệp có thể đảm bảo các cam kết về thời gian giao hàng ngắn nhất, giá cạnh tranh nhất, chi phí bôi trơn thấp nhất. Đó là nền tảng phát triển có tính đột phá. Chính vì vậy, cần phải triển khai nhanh đề án, sớm tạo động lực cho doanh nghiệp”- vị đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh.
Góp ý vào vấn đề quản lý, phòng ngừa gian lận, đại diện Hiệp hội Dệt may cho rằng, cơ quan Hải quan cần đưa ra giải pháp phân loại doanh nghiệp sản xuất xuất nhập khẩu chuyên ngành với doanh nghiệp NK phục vụ thị trường trong nước, có hệ thống mạng thông tin để theo dõi hoạt động của doanh nghiệp và tính trung thực của doanh nghiệp. “Tôi cho rằng trong đất nước hội nhập đa phần doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, nhưng không thể loại trừ có thể có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng sơ hở trong luật để gian lận. Như vậy, không ai khác cơ quan Hải quan giám sát đầu vào đầu ra của hoạt động XNK từ đó có nhận định, phân tích để đưa vào hệ thống kiểm soát, tạo ra sự minh bạch và giải quyết kịp thời những vi phạm”- vị đại diện Hiệp hội Dệt may chia sẻ.
Cùng chung quan điểm, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Đề án ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 13/11/2019. Góp ý vào đề án, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cho rằng, với phạm vi rộng của vấn đề KTCN thì nên chọn phương án vừa làm vừa hoàn thiện và một giải pháp quan trọng để cải cách, giám áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh hợp tác đối tác công-tư. Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN phân tích lý do ủng hộ chủ trương giao cơ quan Hải quan là đầu mối duy nhất KTCN bởi “cái gì quy về một mối cũng tốt hơn, thay vì doanh nghiệp phải đến nhiều bộ, ngành, nhiều địa điểm khác nhau để kết thúc được việc thông quan hàng hóa thì nay chỉ đến một nơi duy nhất là các điểm thông quan của cơ quan Hải quan. Với giải pháp đó, DN sẽ tiết kiệm được chi phí, thời gian, con người”.
Bên cạnh đó, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN còn nhấn mạnh, hiện Việt Nam đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có hai hiệp định đánh giá là thế hệ mới là Việt Nam-EU và CPTPP, kỳ vọng tương lai gần có thể có thỏa thuận thương mại tự do song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. “Với việc chuẩn bị cơ quan Hải quan trở thành đầu mối KTCN sẽ là bước chuẩn bị rất tốt để trong tương lai có thể có hiệp định song phương giữa hai nước và đó sẽ là điều kiện giúp tạo thuận lợi hóa XNK hai bên”- đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN nêu.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, vấn đề KTCN cho đến nay vẫn là điểm nghẽn trong thông quan hàng hóa XNK. Hiệp hội VLA đồng hành với nhiều chương trình cải cách thủ tục hành chính của cơ quan Hải quan cũng như các cơ quan khác có liên quan. Đại diện Hiệp hội VLA cho biết, quan điểm chung của hiệp hội đây là đề án thiết thực, chính vì vậy sẽ ủng hộ và cam kết đồng hành với cơ quan Hải quan để đưa đề án vào thực tế, bởi đây là chủ trương đúng đắn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Không chỉ các hiệp hội doanh nghiệp trên, nhiều hiệp hội khác cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu. Các hiệp hội doanh nghiệp cũng mong muốn các bước triển khai cần cụ thể, làm rõ những vấn đề thực tiễn và giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu tạo thuận lợi thực chất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.