Bài học về quản lý rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 22:01, 27/04/2020

(VLR) Sau đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, mọi hoạt động kinh tế tại đây gần như dừng lại hoàn toàn sau khi lệnh cách ly cả khu vực này được ban hành. Các nhà máy sản xuất hàng hóa cho hàng ngàn công ty toàn cầu ngay lập tức ngừng hoạt động, các chuyến hàng đường sắt, hàng không và đường biển cũng ngừng di chuyển qua khu vực bị ảnh hưởng. Từ đây, các nhà máy ở quốc gia khác cũng bắt đầu công bố kế hoạch tạm ngừng sản xuất vì không thể mua các bộ phận từ những nhà cung cấp tại Trung Quốc.

Với việc các nhà sản xuất đồng loạt ngừng hoạt động hoặc giảm công suất đáng kể, các hãng vận tải biển bắt đầu điêu đứng trước nhu cầu giảm mạnh ở thời điểm đó cho đến tận thời điểm này.

Theo Resilinc, công ty chuyên về giám sát rủi ro và lập sơ đồ chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng này đã và vẫn đang gây ảnh hưởng lớn với những ngành công nghiệp ở các khu vực cách ly của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý và số lượng các mặt hàng có nguồn gốc từ các khu vực cách ly này cũng gần như đứng yên tại nhà sản xuất.

Học lại bài học cũ trong quá khứ

Đại dịch COVID-19 một lần nữa cho thấy, một hệ thống giám sát nhà cung cấp mạnh mẽ, không phụ thuộc là yêu cầu cơ bản nhất đối với các chuyên gia tìm nguồn cung cấp mới trong chuỗi cung ứng.

Sau trận động đất và sóng thần vào tháng 3/2011 tại Fukushima, Nhật Bản, nhiều công ty đa quốc gia đã nếm trải những bài học đau đớn về các mắc xích yếu tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng của họ. Đây cũng là những điểm yếu khiến các doanh nghiệp mất doanh thu và giới hạn thị trường mỗi khi gặp phải. Mặc dù các công ty có thể nhanh chóng đánh giá các tác động mà thiên tai gây ra đối với các nhà cung cấp trực tiếp, họ vẫn bị che mắt bởi các tác động đến các nhà cung ứng cấp hai và cấp ba trong khu vực bị ảnh hưởng.

9 năm sau đó với sự xuất hiện của virus Corona, dường như các bài học về Fukushima lại phải được áp dụng một lần nữa khi nhiều công ty trên toàn thế giới gặp khó khăn khi phải xác định những nhà cung cấp cấp thấp - những doanh nghiệp mà họ không giao dịch trực tiếp – và xem xét liệu họ có đặt cơ sở tại các khu vực bị ảnh hưởng tại Trung Quốc không.

Nhiều công ty có lẽ đang hối tiếc khi phụ thuộc quá nhiều vào một công ty duy nhất cho các mặt hàng giao dịch trực tiếp. Các nhà quản lý chuỗi cung ứng biết trước các rủi ro của việc chỉ dùng một nguồn hàng duy nhất, tuy nhiên họ vẫn làm theo hướng này nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hoặc đáp ứng chi phí theo kế hoạch. Thông thường, họ có nhiều lựa chọn khác để thay đổi nguồn cung ứng, nhưng phần lớn những nguồn khác vẫn xoay quanh khu vực Trung Quốc.

Trong một số trường hợp, các doanh nghiệp sẽ không thể tìm thấy nhiều nguồn cung cho một số bộ phận hoặc vật liệu nhất định - do vị trí địa lý đặc biệt hoặc nguồn cung sở hữu tài sản trí tuệ riêng. Trong những trường hợp này, các doanh nghiệp cần bổ sung các phương thức tìm nguồn cung ứng truyền thống từ họ bằng các nguồn dữ liệu mới hoặc tìm cách tiếp cận mới để hiểu rõ và giảm thiểu rủi ro cao nhất.

Giám sát và lập sơ đồ

Ở mức tối thiểu, các công ty nên đầu tư vào khoản giám sát công nghệ 24x7 đối với các nhà cung cấp toàn cầu có liên quan. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên cho phép nhà cung cấp trên toàn thế giới có thể theo dõi kỹ càng với giá cả phù hợp hơn. Các doanh nghiệp không thể điều hành những chuỗi cung ứng khổng lồ trên toàn cầu khi tin tức hàng ngày luôn thay đổi nhanh chóng và có thể gây ra sự gián đoạn trong tương lai mà bạn không biết tới.

Một số công ty như General Motors đã vượt xa hơn quá trình này khi họ đã dành nhiều năm để lập sơ đồ riêng cho chuỗi cung ứng. Những công ty có đầu tư vào quá trình lập sơ đồ sẽ thấy được lợi ích khi các gián đoạn xảy ra bất ngờ khi chúng hỗ trợ doanh nghiệp sắp xếp các quy trình lại trong thời gian ngắn nhất, đồng thời biết được mức độ ảnh hưởng của gián đoạn này. Khi doanh nghiệp đã có kiến thức nâng cao về sự gián đoạn sẽ đến từ đâu và sản phẩm nào sẽ bị ảnh hưởng, họ sẽ có thời gian để thực hiện những chiến lược tránh và giảm thiểu thiệt hại ngay lập tức - ví dụ như định hình lại như cầu bằng giảm giá thay thế, mua hàng tồn kho, phân bổ hàng tồn kho...

Tất nhiên, các yếu tố này sẽ phát sinh nhiều chi phí để đảm bảo các hoạt động này luôn diễn ra. Ví dụ, nhiều nguồn cung cấp yêu cầu doanh nghiệp phải có đủ điều kiện và cơ sở hạ tầng ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, các chi phí này thường có thể bù đắp bằng cách giảm tỉ lệ kinh doanh và phân bố cho các nhà cung cấp, quốc gia yêu cầu phí cao hơn. Những lợi thế mà doanh nghiệp có thể tận dụng bao gồm khả năng chuyển nhà sản xuất giữa nhiều nhà cung cấp, nhà máy và quốc gia, từ đó mang lại lợi tức đầu tu dồi dào và bù lại chi phí duy trì lập sơ đồ chuỗi cung ứng.

Trên thực tế, chi phí lập sơ đồ giám sát đã giảm đi đáng kể trong thập kỷ qua. Ngày nay, các khoản đầu tư này có thể được bù đắp bằng cách tiết kiệm dưới hình thức giảm phu thuộc vào hàng tồn kho, các quy trình thủ công – từ đó sinh ra một chuỗi cung ứng nhanh, dễ dàng thích ứng và hoạt động trơn tru dù có xảy ra gián đoạn bất ngờ.

Nhìn chung, đại dịch COVID-19 một lần nữa cho thấy, một hệ thống giám sát nhà cung cấp mạnh mẽ, không phụ thuộc là yêu cầu cơ bản nhất đối với các chuyên gia tìm nguồn cung cấp mới trong chuỗi cung ứng.

supplychaindive/ Đăng Khoa chuyển ngữ