Khủng hoảng COVID-19 thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả hơn cho bán lẻ

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 13:05, 20/05/2020

(VLR) Dù COVID-19 đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho lĩnh vực bán lẻ nhưng nhìn theo hướng tích cực đây sẽ là cơ hội để kích hoạt sự đổi mới, giúp bán lẻ chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng, phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới.

Việc đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt giúp các nhà bán lẻ kịp thời cung cấp hàng hóa trong mọi tình huống

Việc đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt giúp các nhà bán lẻ kịp thời cung cấp hàng hóa trong mọi tình huống

Đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt

Nghiên cứu mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar chỉ ra rằng, sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong mùa dịch đang mang lại cơ hội cho nhiều nhà bán lẻ khác nhau. Các nhà bán lẻ truyền thống như Big C, MM Mega Market… đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong khoảng thời gian trước khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Thậm chí sau giãn cách, sức mua tại các kênh bán lẻ này vẫn được duy trì ổn định.

Theo chia sẻ từ Tập đoàn Masan Group, kết thúc quý I/2020, kênh bán lẻ VinCommerce (được Masan hoàn tất sáp nhập vào cuối năm 2019) của tập đoàn này đã đạt tăng trưởng doanh thu thuần 40%, lợi nhuận cũng cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. Để có doanh thu lợi nhuận như trên, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, Masan đã đảm bảo chuỗi cung ứng hoạt động thông suốt, cung cấp đầy đủ hàng hóa với giá cả bình ổn, chất lượng cao đến tay người tiêu dùng. Đáng chú ý, COVID-19 bùng phát đúng thời điểm dịch tả lợn châu phi có dấu hiệu quay trở lại tại một số địa phương song Masan MEATLife (công ty thành viên của Masan - đơn vị sở hữu thương hiệu thịt mát MEATDeli) đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cao nhất nên đảm bảo đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm thịt lợn an toàn nhất.

Tương tự, Saigon Co.op với hơn 800 điểm bán đã làm rất tốt việc đảm bảo chuỗi cung ứng trong mùa dịch bệnh. Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op - chia sẻ, nhà bán lẻ này đã luôn đảm bảo được lượng hàng cung ứng đầy đủ trong suốt mùa dịch nhờ lên kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ ngay từ đầu tháng 2/2020 và đặt hàng dự trữ về các kho trung tâm tại Bình Dương, miền Tây, miền Bắc. Saigon Co.op cũng thực hiện đàm phán ký thỏa thuận dự trữ hàng tại kho các nhà cung cấp; dự trữ tại kho các siêu thị để kịp thời cung ứng hàng; có kế hoạch dự trữ riêng cho từng siêu thị để kịp thời cung cấp hàng hóa cho khách hàng.

Chuyển đổi theo xu hướng

Giới chuyên gia cho rằng, COVID-19 dù đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực bán lẻ song đây là cuộc khủng hoảng để kích hoạt sự đổi mới, khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, xu hướng mua sắm qua online trong bối cảnh mọi người phải hạn chế đi lại, tụ tập đến nơi đông người để phòng chống dịch bệnh đã được các nhà bán lẻ tại Việt Nam tận dụng phát triển. Điều này không chỉ giúp tăng trưởng doanh thu trong dịch mà còn trở thành xu hướng (kênh) mua sắm trong tương lai.

Theo đại diện Công ty AEON Việt Nam, ngay từ đầu tháng 2, khi dịch chưa bùng phát, AEON Việt Nam đã nhận thấy được xu hướng mua sắm online sẽ tăng mạnh nên công ty đã tăng cường thêm nhân sự cho bộ phận giao hàng, thúc đẩy mua sắm online. Nhờ vậy kết quả kênh bán hàng online của AEON Việt Nam đã tăng trưởng rất ấn tượng, số lượng đơn hàng online tăng gấp 3 lần trong dịch vừa qua. Đặc biệt đơn vị còn có dịch vụ đi chợ hộ qua điện thoại nhằm hỗ trợ các khách hàng chưa rành về công nghệ mua sắm trên app và website, người tiêu dùng chỉ cần gọi đến số điện thoại quầy dịch vụ khách hàng sẽ có nhân viên hỗ trợ lựa chọn hàng hoá rồi thanh toán tiền mặt khi nhận hàng hoặc trả qua thẻ. Đại diện của AEON Việt Nam cho biết, đây cũng là xu hướng công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới kể cả khi hết dịch.

Cách mà AEON Việt Nam thực hiện cũng được Saigon Co.op triển khai. Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing của Saigon Co.op - cho biết, việc đẩy nhanh các hình thức này đã giúp doanh số bán ra của Saigon Co.op được duy trì, trong đó kênh bán online đã tăng gấp 10 lần so với trước đây.

Với Masan, việc triển khai bán hàng online, đặt hàng qua điện thoại không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng mà còn để đảm bảo mục tiêu doanh thu cho VinCommerce sẽ đạt 45.000 - 48.000 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.

Trong khi đó siêu thị Big C, ngoài kịp thời triển khai bán hàng qua điện thoại đã bổ sung tính năng đi chợ online trên ứng dụng Chopp còn Lotte Mart có ứng dụng mua sắm trực tuyến Speed L và tất cả đều được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

“Có thể thấy, COVID-19 khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng hơn theo hướng bán lẻ hiện đại để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và tốc độ của quá trình này sẽ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta” - Chủ tịch Tập đoàn Masan Group - ông Nguyễn Đăng Quang - khẳng định.

Báo Công Thương điện tử