Đề xuất tăng giá dịch vụ bốc dỡ tại cảng biển
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 12:52, 20/05/2020
Đề xuất cân bằng giá dịch vụ giữa các tác nghiệp bốc dỡ sẽ đảm bảo được quyền lợi cho doanh nghiệp cảng Việt Nam - Ảnh minh họa
Tại tờ trình dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 54/2018 của Bộ GTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam vừa đề xuất tiếp tục tăng giá tác nghiệp bốc dỡ tại cảng biển.
Cục Hàng hải VN cho biết, Thông tư 54/2018 đã điều chỉnh tăng giá dịch vụ của tác nghiệp tàu (sà lan) - ô tô (shipside) bằng 80% so với mức giá tác nghiệp tàu (sà lan) - bãi cảng (CY). Hiện nay, tất cả các hãng container trên thế giới không sử dụng dịch vụ shipside, kể cả các cảng khu vực 2 và 3 của Việt Nam. Dịch vụ shipside trước đây chỉ tồn tại ở một số cảng khu vực Hải Phòng không đủ bãi nên phải đưa một phần hàng hóa ra tập kết ở bãi ngoài.
“Trước đề xuất của các doanh nghiệp cảng khu vực 1, Thông tư lần này kiến nghị điều chỉnh tăng mức giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container khu vực 1. Do vậy, giá tổi thiểu dịch vụ shipside cũng điều chỉnh tăng lên tương ứng 10%, từ 26 USD lên 29 USD/cont’20 (có hàng), 40 USD lên 44 USD/cont’40, từ 46 USD lên 51 USD/container trên 40 feet”, tờ trình nêu.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng) cho rằng, thực tế, tác nghiệp bốc dỡ giữa tàu đến bãi cảng hay ô tô đều được tiến hành với quy trình, trang thiết bị như nhau. Việc quy định khung giá shipside quá thấp sẽ tạo điều kiện cho hãng tàu ép cảng lựa chọn dịch vụ shipside, làm kìm hãm sự phát triển của cảng.
“Đặc biệt, với mức chênh lệch trên, nhiều hãng tàu vẫn đưa hàng ra bãi ngoài cảng, gây ùn tắc giao thông khu vực sau cảng”, ông Tuấn nói và cho rằng, trong các lộ trình tiếp theo, Bộ GTVT cần nghiên cứu cân bằng mức giá của hai tác nghiệp bốc dỡ hàng từ tàu (sà lan) đến bãi cảng và từ tàu (sà lan) đến ô tô để giải quyết các bất cập đang tồn tại, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, khai thác cảng.