Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Miền Trung cần tập trung vào 5 trụ cột kinh tế”
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 21:45, 20/08/2019
Toàn cảnh Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì
Hội nghị đã tập trung thảo luận về cơ chế, chính sách để giải quyết những điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố trong khu vực bứt phá, phát triển bền vững. Trong đó có cơ chế huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch biển đảo và những lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển miền Trung.
Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (thường được gọi là miền Trung) gồm 14 tỉnh thành (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) với dân số toàn vùng khoảng 20,2 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước; diện tích tự nhiên chiếm 28,9% cả nước.
Được coi là “mặt tiền” ra biển Đông của Việt Nam có chiều dài đường bờ biển 1.900 km, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW. Đây là khu vực hội tụ đầy đủ các tài nguyên du lịch như biển đảo, sinh thái, văn hóa, núi rừng, đồng thời sở hữu nhiều di sản được UNESCO công nhận và số lượng lớn bãi biển nghỉ dưỡng đẹp được quốc tế đánh giá cao.
Các lĩnh vực, ngành kinh tế biển và ven biển của miền Trung đang tập trung phát triển gồm du lịch và dịch vụ biển; phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp; khai thác, chế biến dầu khí; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh thành trong khu vực đã nêu bật tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình. Đồng thời nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư khai thác. Các địa phương kiến nghị cần có thể chế phù hợp, cơ chế đặc thù cho sự phát triển, tránh chồng chéo, nhất là về đầu tư, đất đai nhằm thu hút các tập đoàn lớn, “sếu đầu đàn” vào đầu tư.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những đóng góp và sự phát triển "thay da, đổi thịt" của các địa phương. Thủ tướng cho rằng, miền Trung như chiếc đòn gánh trên vai, nếu hai đầu quá nặng, đòn gánh sẽ gãy, ảnh hưởng rất lớn phát triển kinh tế cả nước. Vì vậy, phát triển kinh tế miền Trung không phải là việc riêng của 14 tỉnh thành khu vực này mà các bộ, ngành, địa phương cần thẳng thắn chỉ ra các nút thắt để tìm ra giải pháp sát thực, hiệu quả hơn, nhất là chính sách, quan điểm phát triển để tháo gỡ.
Thủ tướng mong rằng Hội nghị lần này sẽ đưa ra được những phân tích, giải pháp, ý tưởng và đề xuất cụ thể để Thủ tướng ban hành chỉ thị thúc đẩy ngay sau Hội nghị. Đặc biệt là những giải pháp cho năm 2020 và kế hoạch 5 năm tới. Thủ tướng cho rằng, GDP 28 tỉnh ven biển chiếm 73% cả nước, miền Trung có 14 tỉnh thành nhưng chỉ chiếm chưa được 20% là quá khiêm tốn. Về du lịch, miền Trung có thế mạnh so với các vùng như bãi biển, di sản nhưng doanh thu chưa được 20% cả nước... Về dân số, 14 tỉnh thành miền Trung có trên 20 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước, đây là một loại tài sản rất quan trọng, cần phải làm sao để con người miền Trung đóng góp cho quê hương, làm sao thu hút được những người tài giỏi đến đây để làm việc....
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương quán triệt tinh thần đứng trước vận hội mới của đất nước trong 10 - 15 năm tới, miền Trung cần thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm trở thành địa bàn có trình độ kinh tế - xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước. “Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Vì vậy các địa phương cần tập trung vào 5 trụ cột kinh tế. Đó là, ngư nghiệp phải tập trung nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, một thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Thứ hai là phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo và khai thác thế mạnh của du lịch vùng Tây của các tỉnh miền Trung. Thứ ba là cảng biển và các dịch vụ logistics. Thứ tư là phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Không có công nghiệp thì khó có thể phát triển bền vững. Thứ năm là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.