EU dành hạn ngạch cho hàng loạt loại nông sản Việt
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:43, 17/07/2020
Theo thỏa thuận của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), hạn ngạch nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông sản của Việt Nam như sau: Với mặt hàng gạo, EC đưa ra hạn mức hằng năm là 80.000 tấn, trong đó có 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.
Hạn mức số gạo trên được chia ra từng giai đoạn trong năm. Cụ thể, gạo chưa xay xát từ ngày 1/1 tới 31/3 là 10.000 tấn; từ 1/4 tới 30/6 là 5.000 tấn; từ 1/7 tới 30/9 là 5.000 tấn.
Với gạo thơm, hạn ngạch từ ngày 1/1 tới ngày 31/3 là 15.000 tấn; từ ngày 1/4 tới ngày 30/6 là 7.500 tấn và từ 1/7 tới ngày 30/9 là 7.500 tấn.
Ngoài mặt hàng gạo, EC cũng đưa ra hạn ngạch với một số hàng nông sản như trứng gia cầm có hạn ngạch từ 1/8 đến 31/12 là 208,334 tấn và hạn ngạch mỗi năm 500 tấn; với tỏi, hạn ngạch từ 1/8 đến cuối năm là 167,668 tấn và hạn ngạch mỗi năm là 400 tấn…
Hạn ngạch này được kỳ vọng sẽ giúp nông sản Việt Nam tăng hiện diện tại thị trường EU. Ví dụ, trước đây, gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU bị áp thuế lên tới 45%. Thậm chí có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn. Mức thuế này khiến gạo Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại từ Campuchia. Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK gạo vào EU sẽ giảm và dần tiệm cận về mức 0%, tạo điều kiện cho gạo Việt tăng sức cạnh tranh khi XK vào khu vực thị trường này.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu chưa cao, song EU vẫn là thị trường đầy tiềm năng của hạt gạo Việt. Lý do, đây là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao và nếu thâm nhập thành công, hạt gạo Việt sẽ có một “bàn đạp” vững chắc để tiến vào nhiều thị trường khác. Khi gạo Việt được giảm thuế, giảm giá thành, sức cạnh tranh chắc chắn sẽ tăng lên. Tương tự, các mặt hàng nông sản cũng được kỳ vọng sẽ tăng hiện diện ở thị trường này.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường đã mở cửa, nhưng vấn đề lại nằm ở việc các doanh nghiệp trong nước có đáp ứng được tiêu chuẩn rất gắt gao của thị trường này hay không. EU là một trong những thị trường có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới. Đặc biệt, với nông sản, thủy sản, EU không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất, mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường, phát triển bền vững. Đây là điều các doanh nghiệp cần lưu ý.