Cơ hội nào cho “tân binh” Vietravel Airlines?
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:34, 17/07/2020
Vietravel Airlines dự kiến khai thác tàu bay A320 - A321 hoặc B737 với số lượng chỉ 3 chiếc trong năm đầu tiên
Trong bối cảnh hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng không là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều người đặt câu hỏi, liệu Vietravel Airlines có nên bay vào thời điểm này?
Đủ điều kiện cấp phép bay
Cục Hàng không VN vừa trình Bộ GTVT kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty TNHH MTV Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
Văn bản của Cục Hàng không VN Võ Huy Cường nêu rõ: Hồ sơ của Vietravel Airlines đáp ứng các điều kiện để cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (bao gồm cả điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển) đồng thời kiến nghị Bộ GTVT thực hiện các thủ tục tiếp theo để cấp Giấy phép cho hãng này.
Được biết, Vietravel Airlines dự kiến khai thác tàu bay A320/A321 hoặc B737 với số lượng chỉ 3 chiếc trong năm đầu tiên (bắt đầu từ năm 2021). Số tàu bay của hãng này sẽ tăng dần lên 8 chiếc trong 5 năm tiếp theo.
Theo Cục Hàng không VN, với quy mô đội tàu bay trong 3 năm đầu là 3 - 6 tàu bay và đạt 8 tàu bay vào năm thứ 5, đội tàu bay của Vietravel Airlines chỉ chiếm từ 1,5% - 3% về số lượng trong giai đoạn 2011 - 2023 nên về tổng thể tác động không đáng kể, đảm bảo tính ổn định của thị trường.
Vietravel Airlines cũng đưa ra 4 phương án khai thác, tương đồng với các kịch bản khai thác thị trường hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2023 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ.
Về mô hình kinh doanh, Vietravel Airlines định hướng phát triển là hãng hàng không có hoạt động bay phục vụ khách du lịch là chủ yếu với mạng đường bay gắn với tuyến du lịch trong nước và quốc tế, kết nối nội vùng với các cảng hàng không còn dư nhiều công suất như: Chu Lai, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vân Đồn, Hải Phòng...
Sản phẩm của Vietravel Airlines là một bộ phận quan trọng trong sản phẩm của công ty mẹ Vietravel. Theo đó, Vietravel sẽ cung cấp giá tour du lịch bao gồm cả giá vé máy bay với đường bay thẳng, thời gian bay ngắn…
Cuối 2020, chậm nhất giữa 2021 sẽ cất cánh
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines cho biết, hãng này đã chuẩn bị rất kỹ để có thể cất cánh vào cuối năm 2020, ngay trước cao điểm Tết Âm lịch.
Theo ông Kỳ, thực tế, người suy nghĩ tiêu cực sẽ nhìn thấy toàn khó khăn trong cơ hội, những người tích cực sẽ tìm thấy cơ hội trong khó khăn. Cơ hội mà Vietravel Airlines tìm thấy trong thời điểm này chính là việc thuê, mua máy bay giá rẻ hơn nhiều. Trước đây, giá thuê máy bay rất đắt, lịch giao máy bay rất xa.
Tuy nhiên, hậu Covid-19, nhiều hãng hàng không xin hủy, giãn đơn hàng, máy bay nằm sân rất nhiều. “Trong bối cảnh đó, chúng tôi có cơ hội lựa chọn dòng máy bay, chủng loại động cơ tân tiến mới và hiện đại hơn so với trước đây với mức giá rất hợp lý, đồng thời có thể nhận máy bay bất kỳ khi nào cần mà không phải chờ đợi”, ông Kỳ thông tin.
Theo thông tin của Báo Giao thông, hiện Vietravel Airlines đã ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác ATTECH Holding Ltd thỏa thuận về việc thuê tàu bay.
Thuận lợi thứ hai, theo ông Kỳ là việc giá xăng dầu đang ở mức thấp, “đỡ” rất nhiều cho các hãng hàng không mới ra đời trong việc tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá thành.
Thứ ba, Vietravel Airlines cũng đang đứng trước cơ hội vàng để tuyển dụng lực lượng lao động hàng không như phi công, tiếp viên, thương mại, phục vụ mặt đất… chất lượng cao đang dôi dư sau dịch.
Ngoài 3 yếu tố thuận lợi cơ bản này, ông Kỳ chia sẻ, một trong những điểm cộng nữa của Vietravel Airlines là việc Vietravel có hệ thống bán rộng khắp. Điều này có thể giúp Vietravel Airlines có một lượng khách lớn ngay khi bước vào thị trường vận chuyển hàng không.
Thông tin thêm về thời điểm cất cánh, ông Kỳ cho hay thời điểm cuối 2020 là cơ hội để Vietravel Airlines đón đầu thời điểm phục hồi của thị trường, khi hạ tầng hàng không đã hoàn thiện hơn, 2 đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã nâng cấp xong.
“Tất nhiên, chúng tôi cũng đã có một kế hoạch dự phòng trong trường hợp dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, đường bay quốc tế chưa thể mở bình thường trở lại. Cụ thể, thời gian bay sẽ lùi lại đến giữa năm 2021”, ông Kỳ chia sẻ.
Về cơ hội cho hãng hàng không mới hậu Covid-19, một chuyên gia hàng không đánh giá: Trước dịch, Việt Nam được đánh giá là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Dự kiến, mức tăng trung bình hơn 14% mỗi năm và cán mốc 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.
“Dịch Covid-19 đã khiến mọi dự báo bị đảo lộn, tuy nhiên, tôi vẫn tin vào sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường hàng không. Bằng chứng là thị trường nội địa của ta đang có sự phục hồi thần kỳ sau một thời gian “đóng băng” vì dịch”, vị này nói và nhấn mạnh: Thông thường, tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện hàng không phải gấp 1 - 1,5 lần dân số. Trong khi tại Việt Nam, theo số liệu của năm 2019, tỷ lệ này mới là 70 triệu lượt khách/96 triệu dân. Điều này cho thấy, còn rất nhiều người dân không đi dù chỉ 1 chuyến bay trong cả năm.