Xuất khẩu nông sản quyết "về đích" 41 tỷ USD bất chấp COVID-19
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:36, 28/07/2020
Xuất khẩu nông sản quyết về đích 41 tỷ USD
Theo thông tin mà Bộ NN&PTNT vừa phát đi chiều tối nay, 27/7, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 39,5 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước đạt 17,2 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019; xuất siêu gần 5,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng về xuất khẩu, trong tổng số 22,3 tỷ USD, nhóm nông sản chính ước đạt 10,4 tỷ USD, giảm 4,0%; chăn nuôi ước đạt 213 triệu USD, giảm 24,9%; thủy sản ước đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6,4%; lâm sản chính đạt 6,5 tỷ USD, tăng 6,7%.
Đại diện Bộ NN&PTNT nhận định, những tháng cuối năm tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể như, bất ổn liên quan dịch Covid-19, chính sách thương mại, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực; xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, nhiều thị trường nhập khẩu nông sản siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu, đẩy mạnh chính ngạch, thanh kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu...
Tuy vậy, Bộ NN&PTNT nhận định thời gian tới, việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng sẽ mở ra cơ hội, triển vọng thị trường lớn cho hàng nông sản Việt Nam.
Trên cơ sở phân tích như trên, Bộ NN&PTNT dự kiến phương án tăng trưởng toàn ngành phấn đấu đạt 2,6 - 3%; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỷ USD.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phân tích: "Nếu tình hình diễn biến thị trường tiến triển tốt, vẫn như thời điểm nửa cuối tháng 6 đến nay thì ngành nông nghiệp vẫn có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 41 tỷ USD cả năm. Ngược lại, nếu xảy ra tình trạng dịch Covid-19 bùng phát trở lại nghiêm trọng, các thị trường đóng cửa thì rất khó đoán định".
Để đạt được tăng trưởng toàn ngành cũng như mục tiêu xuất khẩu 41 tỷ USD trong năm nay, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, giải pháp cụ thể đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả hơn, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, theo 3 trục sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm chủ lực địa phương theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”).
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT xác định đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu; mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực; tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
"Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng còn là triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các FTA đem lại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường; chuẩn bị tốt các điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu khi EVFTA có hiệu lực…", Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.