Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Cần bỏ cả các điều kiện gây khó
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:51, 11/08/2020
Nghị quyết 116/2020/QH14 của Quốc hội quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng chính thức có hiệu lực từ 03/8
Nghị quyết này áp dụng đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN.
Theo nghị quyết, việc giảm thuế TNDN chỉ áp dụng cho thu nhập phát sinh trong năm 2020 của các DN có tổng doanh thu trong năm không quá 200 tỷ đồng. Đây được xem là đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong trường hợp DN mới thành lập trong năm 2020 (kỳ tính thuế năm 2020 không đủ 12 tháng), Nghị quyết quy định phân bổ doanh thu theo thời gian thực tế DN hoạt động trong năm 2020.
Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động.Trong cơ cấu DN của Việt Nam, DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN.
Bộ Tài chính dự kiến với việc giảm thuế nêu trên, thu ngân sách năm 2020 sẽ giảm khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giảm 30% số thuế TNDN sẽ góp phần hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, tạo điều kiện cho các DN tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhiều ý kiến khác nhau
Trên cơ sở lấy ý kiến của các DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TNDN năm 2020 mới đây vẫn còn thiếu nhiều quy định về: Xác định tổng doanh thu trong trường hợp DN có thời gian tạm ngưng kinh doanh; Chưa tính đến tình huống phát sinh là DN tự xác định doanh thu của DN dưới 200 tỷ đồng…
Để tạo thuận lợi cho DN, VCCI khuyến nghị, dự thảo nghị định chi tiết thi hành nghị quyết của Quốc hội nên bổ sung quy định về ngưỡng doanh thu phải nộp khoản tiền chậm nộp.Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho rằng, không nên tách riêng trường hợp DN có thời gian tạm ngưng kinh doanh để áp dụng cách tính tổng doanh thu theo thực tế. Theo ông Nam, nên tính tổng doanh thu theo đủ chu kỳ kinh doanh là 12 tháng. Việc tách riêng như vậy khó áp dụng trong thực tế và không đảm bảo tính công bằng giữa các DN.
Ông Nam cũng không đồng thuận với đề xuất bổ sung quy định về ngưỡng doanh thu phải nộp tiền chậm nộp đối với DN có doanh thu thực tế khi quyết toán vượt trên 200 tỷ đồng so với lúc kê khai. Theo ông Nam, dịch COVID-19 đang khiến hàng loạt DNNVV phá sản. DNNVV rất khó đạt doanh thu 200 tỷ đồng/năm khi dịch còn diễn biến phức tạp. Do đó, ông Nam cho rằng, nếu bổ sung quy định về ngưỡng doanh thu sẽ triệt tiêu ý nghĩa hỗ trợ của Nhà nước đối với DN là đối tượng dễ bị tổn thương trước các tác động tiêu cực bởi dịch bệnh.