Giảm chi phí logistics nâng cao chuỗi giá trị nông sản
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 11:13, 22/08/2020
Ngày 09/7
, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và các hiệp hội ngành hàng khác tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề: “Cắt giảm chi phí logistics - Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt”. Hội nghị đã ghi nhận nhiều đánh giá, kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia, các ban ngành, đơn vị liên quan, từ đó đặt ra yêu cầu cần phải có các biện pháp để cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt.Chi phí logistics đắt đỏ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam chia sẻ: “Theo tôi nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động theo hình thức mạnh ai người nấy làm, manh mún và nhỏ lẻ. Để giải quyết những vấn đề này, chúng ta cần phải sử dụng tính kết nối. Kết nối đồng bộ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với hiệp hội, hiệp hội với hiệp hội, hiệp hội với Nhà nước, Nhà nước với doanh nghiệp; kết nối đa phương tiện, cả đường bộ, hàng không, đường sắt, đường biển”.
Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, chi phí logistics của nước ta đang thuộc hàng đắt đỏ trong khu vực và trên thế giới. 5 yếu tố cơ bản làm tăng chi phí logistics bao gồm: chi phí vận chuyển cao; các phụ phí và phí địa phương cao do các hãng vận tải nước ngoài áp vào chủ hàng; hạn chế về cảng và cơ sở hạ tầng cảng biển; các tỉnh/ thành đưa ra các phí hạ tầng mới; chi phí về kiểm tra chất lượng, kiểm tra chuyên ngành, kiểm dịch,...
Ông Võ Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết, năm 2019, Công ty xuất khẩu khoảng 14.000 tấn chuối đi Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, trong đó, chi phí logistics chiếm khoảng 30% chi phí sau thu hoạch. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, chi phí logistics tăng tới 45%, trong đó cước tàu biển tăng tới 40% do những tác động của dịch COVID-19.
Từ những ví dụ trên có thể thấy rằng, logistics chính là chìa khóa thành công của toàn ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, vấn đề hiện nay cần quan tâm là làm sao cắt giảm chi phí logistics, mới có thể nâng cao giá trị gia tăng, tạo thặng dự thương mại cho nhóm hàng nông sản.
Nhiều giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt
Đại diện Hiệp hội VLA, ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Thư ký cho rằng, Nhà nước cần quy hoạch các trung tâm logistics vùng, các nhà kho cung cấp dịch vụ chuyên dùng phải được quy hoạch xây dựng nằm trong vùng trung tâm logistics để thuận lợi hóa trong công tác phục vụ sản xuất.
Cùng với đó là vai trò của công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Nền tảng kết nối vận tải để các công ty vận tải có thể nhìn thấy nhau, tận dụng chuyến vận tải rỗng. Nền tảng số cho cả chuỗi cung ứng nông nghiệp này để các chủ hàng, những nhà sản xuất, công ty dịch vụ logistics, kiểm dịch, các hãng tàu, nhà nhập khẩu đều có thể theo dõi được luồng hàng hóa của mình.
Về phía Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kiến nghị, nên trình Chính phủ một chiến lược logistics, có thể là một đề án tổng thể căn cơ theo từng vùng như Bắc Bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng... để tối ưu hóa được quy hoạch vùng nhằm giảm chi phí logistics cho nông nghiệp.
Đây không còn là vấn đề của riêng Bộ, ngành hay địa phương nào. Để giải quyết các vấn đề về logistics cần có quy hoạch logistics theo vùng, theo loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương để hình thành các trung tâm vận chuyển, logistics hiện đại, từ đó, đạt được sự liên kết giao thông, cảng biển, hàng không, các trạm trung chuyển, các dịch vụ công, thậm chí các thủ tục hành chính...
Đại diện Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, nên xây dựng lại quy trình kiểm dịch để phù hợp với quy định của nhà nhập khẩu. Kiểm dịch tại chỗ, rút ngắn thời gian kiểm dịch để tránh hỏng hóc cũng như giảm chi phí cho các nhà sản xuất nông sản, đồng thời bảo vệ chất lượng nông sản. Nếu có thể kiểm dịch ngay tại kho lạnh và có những công nghệ kết nối giữa các nhà cung ứng thì giá trị cũng như chất lượng của nông sản sẽ được nâng cao.
Với ngành hàng không Việt Nam, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air cho biết, hiện nay, hàng hóa nông sản vận chuyển qua đường hàng không chiếm đến 25% tổng sản lượng xuất khẩu. Vận tải hàng không chủ yếu vận chuyển những ngành hàng có giá trị cao, nhạy cảm với thời gian như hoa tươi, trái cây, rau quả... Sở dĩ phí vận chuyển hàng không của nước ta đang ở mức cao là do chúng ta chưa có đường bay thẳng chuyên chở hàng hóa đến Mỹ và các nước châu Âu, cũng như chưa có máy bay chuyên dụng chở hàng hóa nên rất hạn chế trong công tác bảo quản. Ngoài ra, do những rào cản về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm nên nhiều khi máy bay chở hàng phải trống một chiều...
Ông Quang cho rằng, để cắt giảm chi phí trong vận tải hàng hóa hàng không, cần thiết mở các đường bay thẳng chuyên chở hàng hóa đến các quốc gia có lượng nhập khẩu hàng hóa lớn và tiềm năng như Mỹ và các nước thuộc khối liên minh châu Âu – EU,... Dự kiến, ngày 02/9 tới, Vietjet Air sẽ mở đường bay thẳng chuyên chở nông sản từ Việt Nam sang Mỹ và sẽ tiếp tục khai thác sang EU nếu khai thác thuận lợi. Đây được xem là bước đi đột phá của vận tải hàng không trong bối cảnh dịch COVID-19 đang khiến dịch vụ vận tải hành khách ở các đường bay quốc tế bị hạn chế.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú cho rằng, có quá nhiều trạm thu phí đường bộ đã đẩy chi phí vận tải lên cao. Trong khi đó, hệ thống đường biển, đường sông của nước ta rất thuận lợi nhưng không phát huy tác dụng do không có cảng nội địa. Vận chuyển đường sông chi phí chỉ bằng 1/10 so với đường bộ. Ông đề nghị cơ quan chức năng cần tính đến vấn đề quy hoạch đường sông, đường biển để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.