Xuất khẩu - động lực tăng trưởng cuối năm
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:45, 01/10/2020
(VLR) Dịch COVID-19 khiến nền kinh tế thiệt hại nặng nề, GDP 9 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,12% (thấp nhất 10 năm qua). Trong bức tranh kinh tế ảm đạm, xuất khẩu là một trong những điểm sáng khi xuất siêu đạt gần 17 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, xuất khẩu sẽ là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế cuối năm nay.
Xuất khẩu trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2020
Điểm sáng xuất siêu gần 17 tỷ USD
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,7 tỷ USD, tăng 1,8%. Đặc biệt, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu ở mức kỷ lục 16,9 tỷ USD, mức tăng kỷ lục trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm vì dịch COVID-19. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 71,8 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,0 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%.
“Trong 9 tháng đầu năm, cả nước có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD”, bà Hương cho biết.
Xét về thị trường, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu dẫn đầu với kim ngạch 54,8 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp sau đó là các thị trường Trung Quốc, châu Âu, Asean, Hàn Quốc…
Xét về thị trường, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu dẫn đầu với kim ngạch 54,8 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp sau đó là các thị trường Trung Quốc, châu Âu, Asean, Hàn Quốc…
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá 16,9 tỷ USD xuất siêu là con số đáng ghi nhận và đóng góp rất lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2020. Kết quả xuất siêu này nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
“Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống giảm nhưng chúng ta tăng trưởng kỷ lục vào những mặt hàng mới, có giá trị gia tăng cao như gạo. 9 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt 2,9 tỷ USD, đây là tín hiệu đáng mừng cho nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, máy móc thiết bị, linh kiện, nội thất, đồ dùng thể thao xuất khẩu tăng”, ông Tiến cho biết.
Theo ông Tiến, lâu nay, tỷ trọng xuất siêu DN FDI giữ chủ đạo. Tuy nhiên, DN trong nước đã có bước chuyển biến tích cực, tăng xuất siêu. Trong 17 tỷ USD xuất siêu bao gồm cả của FDI và DN trong nước. Xuất siêu sẽ góp phần giúp Việt Nam giữ ổn định đồng nội tệ, dự trữ ngoại hối tăng, có thêm nguồn lực để phục hồi nền kinh tế.
Là một trong những cơ quan chuyên trách về xúc tiến thương mại, thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại cho hay, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 - 2025.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ soát, chọn lọc một số ngành hàng, mặt hàng tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác. Cùng với đó, Bộ Công Thương hỗ trợ DN nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch.
Cần nâng giá trị xuất khẩu của DN nội
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm vì dịch COVID-19, xuất siêu của Việt Nam vẫn tăng là dấu hiệu đáng mừng, là một trong những trụ cột cho tăng trưởng kinh tế, Tuy nhiên, tỷ trọng hàng xuất khẩu vẫn nghiêng về khối doanh nghiệp FDI, còn của doanh nghiệp trong nước mới chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông Thịnh, thời gian tới, Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tạo ra các mặt hàng có giá trị thuần Việt xuất khẩu ra thị trường thế giới. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân đã có bước tăng trưởng rất cao so với khu vực khác, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 46% tổng đầu tư xã hội, lớn hơn cả khu vực nhà nước cũng như khu vực FDI. Đây là nền tảng để kinh tế tư nhân trở thành động lực trong phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030.
Cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các DN tư nhân phát triển bằng các điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, với chi phí thấp hơn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực DN trong nước cần hướng tới hiệu quả và giá trị hàng hóa xuất khẩu.Doanh nghiệp trong nước cũng cần đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu truyền thống gặp khó khăn.
“Ngoài việc đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh thế giới và sản xuất trong nước, chúng ta cần: Chú ý hơn đến hoạt động nhằm cân bằng cán cân thương mại với các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU; Chú trọng xử lý vấn đề hàng đội lốt xuất xứ Việt Nam”, ông Thịnh khuyến cáo.