Đường sắt Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn nhất lịch sử

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:30, 30/09/2020

(VLR) Do tác động của dịch COVID-19, tính từ tháng 2 đến tháng 5/2020, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã giảm khai thác 2.886 chuyến tàu so với cùng kỳ. Tỉ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu 6 tháng đầu năm chỉ đạt trên dưới 56%.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang đề xuất được miễn, giảm thuế, phí nhằm gỉảm áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong giai đoạn khó khăn

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang đề xuất được miễn, giảm thuế, phí nhằm gỉảm áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong giai đoạn khó khăn

Dự kiến lỗ trên 1.200 tỷ đồng

Việc bùng phát dịch COVID-19 (đợt 2) đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch chạy tàu cùng các nỗ lực tăng sản lượng và doanh thu từ vận tải hành khách của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Doanh nghiệp này cho biết, chỉ trong 18 ngày, kể từ lúc dịch COVID-19 bùng phát trở lại (từ ngày 23/7 đến 09/8/2020), số lượng vé trả lại tương ứng với 34,4 tỷ đồng, doanh thu vận tải hành khách giảm hằng ngày. Một số địa phương có dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Dương đã yêu cầu VNR dừng đón trả khách tại các ga có lượng hành khách lớn trên địa bàn để thực hiện cách ly xã hội.

Tương ứng, VNR đã phải cắt giảm 6/10 đoàn tàu tuyến Hà Nội-TPHCM, đây là những đôi tàu mang lại doanh thu cao của Tổng công ty. Các đoàn tàu địa phương khác cũng phải cắt giảm và chỉ tổ chức chạy tàu vào các ngày cuối tuần và một số tuyến phải dừng chạy tàu.

Kết quả sản xuất, kinh doanh 8 tháng đầu năm, doanh thu của Công ty mẹ chỉ đạt 1.164,7 tỷ đồng bằng 72,5% so với cùng kỳ và 55,5% kế hoạch năm. Doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 4.088,5 tỷ đồng bằng 77,8% so với cùng kỳ và bằng 64,4% kế hoạch năm. Dự kiến cả năm 2020, VNR lỗ trên 1.200 tỷ đồng.

Hiện tại trung bình một tháng, Công ty mẹ (VNR) hụt dòng tiền xấp xỉ 100 tỷ đồng. Dự tính tổng thâm hụt dòng tiền của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam năm 2020 khoảng 1.000 tỷ đồng.

Việc cân đối dòng tiền tại các công ty con là Vận tải đường sắt Hà Nội, Vận tải đường sắt Sài Gòn hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Dự kiến năm 2020, với khoản lỗ 410 tỷ đồng của Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và 357 tỷ đồng của Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn thì 2 Công ty này cũng sẽ bị hụt dòng tiền khoảng xấp xỉ 1.000 tỷ.

Nguyên nhân là 2 Công ty này trong các năm vừa qua đã đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng đóng mới và cải tạo toa xe nên các năm tiếp theo gặp áp lực rất lớn về dòng tiền trả nợ gốc và lãi vay cho các ngân hàng thương mại.

Việc mất cân đối dòng tiền của các Công ty con ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của Công ty mẹ do các công ty này đang sử dụng dịch vụ của Công ty mẹ với số tiền dự kiến phải thanh toán trong năm 2020 hơn 1.600 tỷ đồng.

Thử thách lớn nhất trong hơn 100 năm lịch sử

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá, ngành đường sắt đang trải qua giai đoạn thử thách lớn nhất trong lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển.

Được biết, đặc thù hoạt động của VNR ngoài kinh doanh vận tải còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, vì vậy, để khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng công ty đang đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng, có ý kiến đối với Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền xem xét các biện pháp hỗ trợ cũng như miễn, giảm thuế, phí như: Miễn, giảm khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải; miễn trích nộp Ngân sách Nhà nước 20% tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt; giãn tiến độ trả nợ, giảm lãi suất vay của các ngân hàng cho các dự án đầu tư của các Công ty vận tải đường sắt nhằm giảm áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong giai đoạn khó khăn này.

Liên quan đến quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) quốc gia do Nhà nước đầu tư, Tổng công ty Đường sắt đang đề nghị Bộ GTVT bổ sung danh mục KCHTĐS giao theo hình thức đầu tư vốn nhà nước vào Đề án để Tổng công ty trực tiếp quản lý, sử dụng, khai thác, kinh doanh theo 2 hình thức gồm: Phần tài sản cầu, hầm, hệ thống đường ray, hệ thống thông tin tín hiệu,... không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Phần tài sản còn lại gồm toàn bộ 297 nhà ga, kho hàng, bãi hàng và tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát giao theo hình thức đầu tư vốn nhà nước.

Đối với cơ chế giao dự toán nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế dành cho công tác bảo trì tài sản KCHTĐS quốc gia do Nhà nước đầu tư, VNR tiếp tục đề nghị được giao dự toán bảo trì tài sản cho Tổng công ty.

Bên cạnh đó, theo VNR, Nghị định số 65/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, các doanh nghiệp vận tải đường sắt có lộ trình 3 năm (tới năm 2021) để thay thế các phương tiện hết niên hạn sử dụng.

Do đó, VNR sẽ phải thanh lý khoảng 60 đầu máy, gần 1.000 toa xe hàng và 500 toa xe khách. Đồng thời, phải huy động khoảng 6.822 tỷ đồng để đầu tư mới, bù đắp các phương tiện phải loại bỏ mà không được hưởng các ưu đãi về lãi suất vay.

Vì vậy, VNR đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ GTVT đề xuất Chính phủ lùi thời gian thực hiện Nghị định 65/2018/NĐ-CP về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe, hoặc bổ sung thêm Khoản 5, Điều 19, Nghị định 65/2018/NĐ-CP về lộ trình thực hiện niên hạn của phương tiện giao thông đường sắt như sau: "Trường hợp phương tiện giao thông đường sắt hết niên hạn sử dụng theo quy định tại điều 18 của Nghị định này, nhưng chất lượng phương tiện còn đảm bảo an toàn và Doanh nghiệp đường sắt có nhu cầu muốn kéo dài thời gian hoạt động. Chính phủ giao Bộ GTVT trên cơ sở đánh giá đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện tại thời điểm hết niên hạn thì cấp phép sử dụng".

Mới đây tại buổi làm việc của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với Tổng công ty Đường sắt, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cho biết, tới thời điểm này, bằng sự phối hợp giữa Ủy ban (đại diện chủ sở hữu nhà nước) với Bộ GTVT (cơ quan quản lý nhà nước) và VNR, những vướng mắc nêu trên của VNR cơ bản được tháo gỡ.

Ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, Tổng công ty đường sắt Việt Nam thời gian tới, cùng với các doanh nghiệp vận tải hàng hải, hàng không, đường bộ, cần phối hợp, hợp tác xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực chung, tạo thành hệ thống vận tải đa phương thức, đóng góp quan trọng vào hoạt động thương mại và sản xuất cũng như nền kinh tế quốc dân; giảm chi phí logistics, từ đó dẫn tới giảm chi phí hàng hóa và sản xuất; mở rộng mạng lưới vận tải và đạt được hiệu quả kinh tế cao do khi sử dụng các phương thức vận tải có khả năng chuyên chở khối lượng hàng hóa lớn.

Về các đề xuất của VNR, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã dự thảo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về 3 vấn đề: Miễn, giảm khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải cho năm 2020; Miễn trích nộp Ngân sách Nhà nước 20% tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm 2020; Đánh giá, xem xét việc lùi thời gian thực hiện Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe.

Chinhphu.vn