Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng kỷ lục

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:01, 05/11/2020

(VLR) Bộ Công thương nhấn mạnh, khoảng 44,8 triệu dân từng tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất 1 lần trong năm. Thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng lên 10,08 tỷ USD năm 2020, đóng góp 4,9% doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng lên 10,08 tỷ USD năm 2020, đóng góp 4,9% doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước

Thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng lên 10,08 tỷ USD năm 2020, đóng góp 4,9% doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước

Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013 về thương mại điện tử do Bộ Công thương chủ trì. Tại đây, Bộ Công thương nhận định, từ năm 2013 đến nay, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ.

Việt Nam hiện nay có trên 59,4 triệu người dùng Internet, chiếm 66% dân số, vượt mức trung bình của thế giới là 60%. Đặc biệt, khoảng 44,8 triệu dân đã từng tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm. Thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 10,08 tỷ USD năm 2020, đóng góp 4,9% doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Đồng thời, thương mại điện tử trong nước đang có hơn 46,5 triệu người dùng, tăng 15,1% so với năm 2019. Nhằm đáp ứng nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu mở rộng các dịch vụ trực tuyến, với 71% doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng họ đã ứng dụng các phương pháp mới để cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng kể từ khi đại dịch diễn ra (bao gồm thiết lập kênh thương mại điện tử, soạn sẵn túi hàng cho khách, và giao hàng).

Trong bối cảnh đó, Visa mới đây cũng đã ký kết hợp tác 3 năm cùng NextTech nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ tăng cường ứng dụng các phương thức thanh toán số.

Theo Bộ Công thương, nhiều mô hình thương mại điện tử mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động và chủ thể tham gia. Bên cạnh đó, các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch thương mại điện tử phổ biến.

Tuy nhiên, các phương thức giao dịch này vẫn chưa được điều chỉnh; các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức... Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung thêm vào Nghị định 52 là hết sức cần thiết.

Nhịp sống kinh tế