Doanh nghiệp đường có thể được hưởng lợi từ chính sách chống bán phá giá

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:16, 02/03/2021

(VLR) Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Theo giới phân tích, các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước có thể được hưởng lợi từ chính sách này.

Nông dân huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh thu hoạch mía niên vụ 2018 - 2019 (Ảnh minh họa: Thanh Hòa/TTXVN)

Nông dân huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh thu hoạch mía niên vụ 2018 - 2019 (Ảnh minh họa: Thanh Hòa/TTXVN)

Nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) nhận định, những biện pháp phòng vệ thương mại này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá đường, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam.

Cùng quan điểm này, các chuyên gia đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) cũng cho rằng, chính sách chống bán phá giá đường ngoại nhập sẽ làm hạn chế bớt đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam từ đó tăng năng suất của các doanh nghiệp trong nước.

Các chuyên gia BSC kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ sớm công bố thuế chống bán phá giá, từ đó giúp cho doanh nghiệp đường Việt Nam giảm bớt sự cạnh tranh của đường Thái Lan.

Theo các chuyên gia đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sau khi mức thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực thì sản lượng đường thô nhập khẩu từ Thái Lan sẽ giảm mạnh và giá đường nội địa của Việt Nam có thể tăng. Điều này cũng đồng thời tạo tác động gián tiếp giúp các nhà máy đường tăng giá mía để khuyến khích nông dân phát triển và phục hồi trở lại vùng nguyên liệu trồng mía.

Nhóm nghiên cứu của VCBS phân tích, với mức thuế 33,88% giá đường nhập từ Thái Lan ước tính sẽ ngang hoặc cao hơn giá đường Việt Nam, giúp giá đường trong nước được cải thiện. Giá đường trong nước có xu hướng tăng do giá đường nhập khẩu chính ngạch giảm và việc điều tra chống bán phá giá đường xuất xứ từ Thái Lan cũng hỗ trợ giá đường. Tuy nhiên, giá đường của Việt Nam vẫn tiếp tục nằm ở mức thấp nhất trong khu vực.

Theo ước tính của FPTS, sản lượng đường nhập khẩu sẽ ở mức thấp trong giai đoạn từ tháng 12/2020 – tháng 4/2021; giá đường trắng nội địa trong năm 2021 dao động trong khoảng 10.500 – 13.000 đồng/kg. Ước tính này được dựa trên cơ sở các nhà máy đường tại Việt Nam đang vào vụ ép mía cho niên vụ 2020-2021, cung đường mía nội địa tăng trở lại.

Cùng với đó là sản xuất đường tại Thái Lan trong niên vụ 2020-2021 được dự báo giảm 5,4% (đạt 7,8 triệu tấn - mức thấp nhất 10 năm) do tác động của thời tiết. Ngoài ra, kỳ vọng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đề xuất ở mức 37,9% được áp dụng trong năm 2021, giá đường trắng Thái Lan tại Việt Nam đạt khoảng 13.000 – 14.000 đồng/kg.

Trong năm 2021, FPTS cho rằng tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp đường trong nước tiếp tục ở mức cao, ngành mía đường Việt Nam sẽ khả quan. Giá đường được kỳ vọng cải thiện nhờ chính sách hỗ trợ ngành của Chính phủ với mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với các sản phẩm đường nhập khẩu. Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi trong năm 2021 giúp cải thiện hoạt động sản xuất mía cho niên vụ 2021- 2022.

Tuy nhiên, các chuyên gia FPTS cũng cảnh báo một số rủi ro đầu tư vào ngành mía đường bao gồm: rủi ro đường giá rẻ nhập lậu; rủi ro biến động giá đường; rủi ro thời tiết tác động đến vùng nguyên liệu mía.

Trước đó, Bộ Công Thương bắt đầu điều tra vụ việc vào ngày 21/9/2020 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của đại diện ngành sản xuất trong nước.

Trải qua gần 5 tháng điều tra theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, Bộ Công Thương đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá và mức độ được trợ cấp của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đường mía của Thái Lan cũng như tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng.

Kết quả điều tra cho thấy ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua. Một loạt các nhà máy đường đã phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động.

Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%. Do đó, mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tác động kinh tế-xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước (gồm cả tạo điều kiện về nguyên liệu cho sản xuất), người tiêu dùng; căn cứ trên thông tin thu thập, tính toán được trong quá trình điều tra, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bên liên quan khác, Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%.

Mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ nhập khẩu đường tinh luyện, đường trắng sang nhập khẩu đường thô để lẩn tránh thuế chống bán phá giá ở mức cao hơn.

Do đó, trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào quý II năm 2021.

TTXVN