Liên kết phát triển dịch vụ logistics Hải Phòng
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 18:04, 23/04/2021
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Enternews.vn)
Thuận lợi và thách thức
Phát biểu chào mừng, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng cho biết, ngày 24/1/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQTW về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 để xác định rõ đến năm 2025 thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia. Đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực: trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao..
"Nghị quyết 45 đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của trung ương đối với thành phố là mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của thành phố trong thời gian tới. Hội nghị hôm nay mục đích là để lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp của các đơn vị, cơ quan các nhà khoa học, các doanh nghiệp đặc biệt các ý kiến của ban ngành, để phát triển logistics Hải Phòng trong thời gian tới" - ông Thọ nói.
Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: enternews.vn)
Tại hội nghị, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, theo kết quả PCI mới được VCCI công bố, thành phố Hải Phòng xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố, xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2019. Đây là lần thứ ba thành phố Hải Phòng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt.
“Hải Phòng đã lấy lại được phong độ của mình trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, lấy lại đẳng cấp của sự tiên phong. Hải Phòng đang đi đầu trong việc hút dòng vốn FDI của cả nước, là một cực tăng trưởng mạnh mẽ của tam giác phát triển kinh tế phía Bắc. Đó cũng là một trong những hạ tầng mềm tạo động lực phát triển”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch VCCI, ở góc độ hạ tầng cứng, với lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, Hải Phòng có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Bắc. Đặc biệt, Hải Phòng giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác "Hai hành lang - Một vành đai kinh tế" giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.
“Dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, chưa tận dụng lợi thế để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Ảnh: enternews.vn
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bộc lộ những điểm nghẽn 'cốt tử' của chuỗi cung ứng toàn cầu. COVID-19 cho tất cả các nước phải suy nghĩ lại vai trò của chuỗi cung ứng.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương phát biểu (Ảnh: enternews)
Thời điểm này cách đây một năm, các doanh nghiệp đặc biệt là các ngành có nguồn nguyên liệu ở nước ngoài đang rất căng thẳng và bị đứt gãy nguồn cung nguyên liệu. Sau đó, khi nguồn cung được khắc phục lại thì các doanh nghiệp lại gặp vấn đề nguồn cầu, suy giảm cầu ở thị trường Châu Âu, Châu Mỹ. Cuối năm 2020, khi nguồn cung được đảm bảo và nguồn cầu khôi phục trở lại thì các doanh nghiệp lại gặp phải thực trạng tăng giá cước cảng biển – khúc giữa để kết nối giữa cung và cầu. Điều này cho thấy, tác động của dịch COVID-19 tác động đến tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng”. – ông Trần Thanh Hải nói.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, bối cảnh tiếp theo, Châu Á đang vươn lên thành trung tâm sản xuất hàng hóa của thế giới; làn sóng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đang song hành cùng sự phát triển của nhân loại và đến thời điểm này nó trở thành một làn sóng mạnh mẽ. Và COVID-19 cũng trở thành một nhân tố để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số này. Và tại Việt Nam, không phải chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà trong lĩnh vực giáo dục – xã hội cũng làm quen một cách mặc định với chuyển đổi số nhưng nó trở thành một thói quen để có thể bắt nhịp.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong 3 tháng đầu năm 2021, con số tăng trưởng là từ 24-26%. Gia tăng luồng đầu tư vào logistics, đặc biệt là vào hạ tầng logistics. Tiếp đó là sự gia tăng phát triển của thương mại điện tử. Tuy nhiên, thương mại điện tử sẽ không phát triển nếu không có sự đi kèm của hạ tầng logistics. Sự bùng nổ của thương mại điện tử kéo theo dịch vụ chuyển phát phát triển, từ đó thúc đẩy ngành logistics tăng lên.
Đề xuất kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Logistics
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, đại dịch đã làm khoảng 75% - 80% doanh nghiệp Hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) bị ảnh hưởng cả về hoạt động kinh doanh lẫn nguồn thu. Nhờ những biện pháp quyết liệt của Chính phủ trong việc chống dịch và phát triển kinh tế nên đến nay khoảng 70% - 80% hội viên VLA đã phục hồi trạng thái hoạt động như trước đại dịch. Một trong lý do giúp ngành dịch vụ logistics phục hồi là khả năng chống chọi của doanh nghiệp và sự thúc đẩy của các FTA thế hệ mới.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (Ảnh: enternews)
Tuy nhiên khó khăn cũng do hậu quả đại dịch gây ra là tình trạng thiếu container rỗng cho hàng xuất khẩu đang gia tăng, mặc dù đã giảm nhiệt. 3 tháng đầu năm nay kim nghạch xuất khẩu đạt gần 80 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2020. Hiện nay, giá container đi Châu Mỹ, Châu Âu tăng phi mã so với trước đại dịch tùy từng tuyến đường biển. Chủ một DN xuất khẩu thủy sản cho biết một container tôm đi châu Âu, cước vận chuyển tăng từ 1.500 USD lên đến 6.500 USD, có lúc 7.500 USD. Đây là khó khăn lớn nhất hiện nay đối với DN làm dịch vụ logistics.
Vừa gượng dậy từ tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy lại hứng chịu thêm một cú sốc nặng nữa từ việc tắc nghẽn kênh đào Suez trong 6 ngày với những rủi ro khó lường cho các bên liên quan. Sự cố của tàu Ever Given đã làm chệch dòng thương mại 10 tỷ USD/ngày, hơn 450 tàu thuyền chở đủ loại hàng hoá bị ách tắc. Tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm 0,2% - 0,4%. 9,6 tỷ USD hàng hóa không thể lưu thông. Ngoài ra còn những cảnh báo về rủi ro địa chính trị đối với thương mại toàn cầu.
"Những đòn trừng phạt mạnh tay của Mỹ đối với Trung Quốc không đơn thuần là một cuộc chiến thương mại. Chúng còn cho thấy những thách thức đối với thương mại toàn cầu. Để giảm thiểu sự gián đoạn, khó khăn các doanh nghiệp cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng và phương thức vận chuyển, đồng thời chúng ta phải có phương án đề phòng để tránh những “điểm nghẹt thở” về địa lý hoặc chính trị, tự nhiên hoặc nhân tạo như vụ tàu Ever Given lần này". - ông Khoa nói.
Theo ông Đào Trọng Khoa, điểm nổi bật của ngành dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay là chi phí logistics còn ở mức cao so với mức trung bình của thế giới. Kết cấu hạ tầng logistics chưa đồng bộ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, thiếu các trung tâm logistics, nhiều thủ tục liên quan bất cập.
Tuy nhiên, theo khảo sát nhanh của Viện nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI), đơn vị trực thuộc VLA vào tháng 4/2021 thì các loại hình dịch vụ mà các doanh nghiệp cung cấp phổ biến là những dịch vụ cơ bản phổ biến như thủ tục hải quan, giao nhận, vận tải nội địa và quốc tế, kho bãi. Tỷ lệ cung cấp các loại hình có giá trị gia tăng cao còn thấp.
Cụ thể, có nhiều cảng nhưng các cảng đang trong quá trình container hóa, chỉ có thể tiếp nhận các tàu nhỏ và chưa được trang bị các thiết bị xếp dỡ container hiện đại, còn thiếu kinh nghiệm trong điều hành xêp dỡ container.
Bên cạnh đó, đa số các cảng biển hiện nay đường ra vào cảng đều là nhưng con đường độc đạo và nhỏ chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng của hàng hóa và lưu lượng xe gia tăng nên gây nên tình trạng thường xuyên ắc tắc vào giờ cao điểm, vào nhưng dịp lễ, Tết khi lượng hàng về nhiều, họặc chỉ cần có 1 vụ tai nạn thông cũng gây ắc tác đường ảnh hưởng đến việc giao nhận hàng hóa tại cảng.
Ngoài ra, năng lực vận tải đường sắt không đựơc vận dụng hiệu quả do chưa được hiện đại hóa. Không có sự kết nối đường bộ với đường sắt. Chưa phát huy năng lực của Cảng hàng không trong việc chuyên chở hàng hóa.
Đáng chú ý, quy mô của các công ty logistics ở Hải Phòng đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năng lực cạnh tranh trên thị trường dịch vụ quốc tế và trong nước còn yếu. Thủ tục Hải quan và kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp chồng chéo kéo dài thời gian thông quan cho các lô hàng xuất nhập khẩu.
Theo khảo sát các doanh nghiệp, hiện vấn đề đầu tiên là giao thông, ùn tắc giao thông là vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến giao thương. Thứ hai là thiếu kết nối vận tải dẫn đến tình trạng xe rỗng. Thứ ba, do ảnh hưởng của Covid-19. Thứ tư, thủ tục hành chính.
Phó Chủ tịch VLA đã đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp logistics Hải Phòng (Ảnh: enternews)
Từ thực trạng trên, Phó Chủ tịch VLA đã đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp logistics Hải Phòng.
Thứ nhất, cần sớm thành lập Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Hải Phòng theo đúng quy định của Nghị định số 45/NĐ 2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ.
Việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics của Hải Phòng là một tất yếu khách quan đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics của Hải Phòng và liên kết Vùng đông bằng sông Hồng. Đây là thời cơ thích hợp để thành lập người đại diện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics là Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Hải Phòng mà hôm nay chúng ta đón chào sự ra mắt của Ban thành lập Hiệp hội.
"Việc ra đời của Hiệp hội chắc chắn sẽ thu hút hoạt động của các Doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao năng lực và quy mô của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của thành phố trở thành những nhà cung cấp dịch vụ logistics 3PL thông qua việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước (vận tải, cảng biển...) với nhau và với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế". - ông Khoa nói.
Thứ hai, phát triển Hải Phòng thành trung tâm dịch vụ logistics khu vực, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Thành phố Hải Phòng hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ logistics.
Theo ông Khoa, để thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics, thành phố có những khuyến nghị với Chính phủ cho phép cơ chế linh hoạt trong việc định ra các ưu đãi đầu tư nhất là kết cấu hạ tầng (thời hạn cho thuê đất, việc giải phóng mặt bằng, thuế, vay vốn ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ...). Cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hải quan, thủ tục ra vào cảng biển của tàu biển và hàng hóa.
"Hiện nay, khó khăn lớn nhất của khu vực cảng Hải Phòng là kết cấu hạ tầng kết nối với vùng hậu phương, trong đó các đường ra vào cảng. Thành phố cần đề nghị với Trung ương về việc nhanh chóng xây dựng các tuyến quốc lộ đã nêu trên và giải quyết vấn đề ách tắc giao thông, tải trọng cầu đường nhất là liên quan đến vận chuyển container để phục vụ tốt nhất cho dòng lưu chuyển hàng hóa thông qua cảng và thành phố"ông Khoa nhìn nhận.
Do đó, ông Khoa cho rằng, nâng cao năng lực của thệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu của các cảng biển - cầu nối quan trọng của hoạt động logistics toàn cầu. Kho bãi tập kết hàng hóa phải được thành phố ưu tiên phát triển. Cho phép khu vực tư nhân được tham gia đầu tư các dự án phát triển hệ thống kho bãi, thông tin liên lạc. Xây dựng một số trung tâm dịch vụ logistics.
Ông Khoa cũng kiến nghị, cần đu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin. Với cảng biển có thể xem xét theo mô hình hệ thống portnet của Singapore, nơi mà thông tin được quản lý và chia sẻ bởi cảng biển, hãng tàu, các nhà vận chuyển đường bộ, các đại lý giao nhận vận tải và các cơ quan của Chính phủ, nhất là hải quan.
Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động logistics. Nguồn nhân lực phục vụ ngành logistics tại thành phố còn thiếu trầm trọng và chưa đồng bộ. Trên địa bàn Thành phố cần tận dụng sự đào tạo của Trường Đại học Hàng Hải trong việc đào tạo chuyên ngành logistics, quản trị chuỗi cung ứng.