Chuỗi cung ứng hàng không châu Á - Thái Bình Dương phục hồi

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:48, 29/04/2021

(VLR) Với việc khu vực vành đai Thái Bình Dương đang thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng trên toàn ngành, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cho thấy mức tăng đáng kể lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bùng phát vào năm 2020.

Thị trường dịch vụ hàng hóa hàng không toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại từ 56,48 tỷ USD vào năm 2020 lên 64,98 tỷ USD vào năm 2021 (Ảnh minh họa)

Thị trường dịch vụ hàng hóa hàng không toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại từ 56,48 tỷ USD vào năm 2020 lên 64,98 tỷ USD vào năm 2021 (Ảnh minh họa)

Tác động của COVID-19 và quá trình phục hồi đến năm 2030

Thị trường dịch vụ hàng hóa hàng không toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại từ 56,48 tỷ USD vào năm 2020 lên 64,98 tỷ USD vào năm 2021 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15%.

Qua bản báo cáo “Thị trường toàn cầu về dịch vụ hàng hóa hàng không năm 2021”, các nhà chiến lược, nhà tiếp thị và quản lý cấp cao có thể nắm được những thông tin quan trọng để đánh giá thị trường dịch vụ hàng hóa hàng không toàn cầu trở lại sau đợt đóng cửa dài hạn do COVID-19.

Theo đó, sự tăng trưởng này phần lớn nhờ vào việc các công ty sắp xếp hoạt động phù hợp và phục hồi sau tác động của COVID-19, bao gồm các biện pháp như giãn cách xã hội, làm việc tại nhà và đóng cửa các hoạt động thương mại có rủi ro cao về dịch. Thị trường dự kiến sẽ đạt 99,67 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ CAGR là 11%.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực lớn nhất trong thị trường dịch vụ hàng hóa hàng không toàn cầu, chiếm 40% thị trường vào năm 2020. Bắc Mỹ là khu vực lớn thứ hai, chiếm 26% thị trường dịch vụ hàng hóa hàng không toàn cầu và Đông Âu hiện đang là khu vực nhỏ nhất trong thị trường này.

Sự phục hồi của châu Á - Thái Bình Dương

Với khu vực Vành đai Thái Bình Dương đang thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng trên toàn ngành, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cho thấy mức tăng đáng kể lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020.

Hai hiệp hội công nghiệp hàng đầu đã đưa ra dự báo tích cực cho năm 2021, trong đó Boeing chia sẻ rằng hãng sẽ sản xuất thêm máy bay có thể đáp ứng nhu cầu trọng tải trong tương lai.

Số liệu lưu lượng sơ bộ năm 2021 do Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA) công bố cho thấy hoạt động hàng không vẫn còn suy yếu, phần lớn do sự lan rộng của các biến thể COVID-19 dẫn đến việc hạn chế biên giới nghiêm ngặt hơn ở các thị trường quốc tế cũng như nội địa trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không vẫn có dấu hiệu hồi phục khi ngành thương mại thế giới bắt đầu có đà tăng trưởng trở lại. Lĩnh vực thương mại điện tử đang tiếp tục phát triển cùng với sự phục hồi đáng kể trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu và thị trường vận chuyển hàng hóa hàng không, nhưng hoạt động vận tải hành khách suy giảm vẫn là một mối lo ngại không thể bỏ qua.

Với khu vực Vành đai Thái Bình Dương đang thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng trên toàn ngành hàng không (Ảnh minh họa)

Với khu vực Vành đai Thái Bình Dương đang thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng trên toàn ngành hàng không (Ảnh minh họa)

Theo Subhas Menon, Tổng Giám đốc AAPA cho biết: “Các nỗ lực gia hạn nhằm ngăn chặn COVID-19 thông qua các đợt đóng cửa biên giới đã một lần nữa ảnh hưởng đến nhu cầu hành khách quốc tế, vốn vẫn gần như bế tắc trong thời gian dài”. Ông nói thêm rằng, việc triển khai tiêm chủng không đồng đều trên toàn thế giới sẽ chỉ làm trì hoãn việc mở cửa hoàn toàn các biên giới trở lại.

“Trong môi trường hoạt động vô cùng thách thức này, các hãng hàng không đang phải vật lộn để tồn tại. Trong khi một số hãng vận tải đang nhận được hỗ trợ tài chính, mọi người sẽ cần hỗ trợ thêm để hầu hết có thể trụ vững, phần lớn do biên giới quốc tế vẫn bị đóng cửa trong thời gian dài”. Các nhà phân tích của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) lưu ý rằng các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương đã chứng kiến nhu cầu đối với hàng hóa hàng không quốc tế giảm 3,2% vào tháng 01/2021 so với cùng kì năm ngoái, nhưng đây lại là mức cải thiện đáng kể so với đợt giảm 4,0% vào tháng 12/2020.

Hơn nữa, các hãng hàng không trong khu vực đã báo cáo hệ số tải quốc tế cao nhất ở mức 74,0%.

Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc và Giám đốc điều hành của IATA cho biết: “Lưu lượng hàng hóa bằng đường hàng không đã trở lại mức trước khủng hoảng và đây là một tín hiệu rất cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa cao, khả năng của chúng tôi bị giới hạn từ việc thiếu hụt dung tích khoang thường trong các máy bay chở khách”.

Ông de Juniac cho biết thêm rằng đây sẽ là dấu hiệu cho các Chính phủ biết rằng họ cần chia sẻ kế hoạch để khởi động lại nền kinh tế, giúp toàn ngành có thêm thông tin rõ ràng hơn về việc giải quyết các hạn chế trên và tăng dung tích vận tải như trước.

Giữa không khí ảm đạm đầy lo âu trong lĩnh vực hành khách, một trong những nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới lại thấy được một tia sáng hy vọng cho toàn ngành - đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Các nhà phân tích làm việc tại Boeing Singapore dự đoán rằng các hãng hàng không ở Đông Nam Á sẽ cần 4.400 máy bay mới trị giá 700 tỷ USD để hỗ trợ nhu cầu mở rộng trong 20 năm tới.

Theo bản báo cáo Triển vọng Thị trường Thương mại của Boeing, thị trường nội Đông Nam Á sẽ trở thành thị trường lớn thứ năm trên thế giới vào năm 2039, với mạng lưới hàng không nội địa và các khu vực lân cận đều có vị trí chiến lược cho phép tăng tốc độ hồi phục kinh tế hậu đại dịch.

Boeing còn dự đoán rằng đội máy bay thương mại của khu vực sẽ tăng trưởng 5,3% hàng năm trong vòng 20 năm tới. Ngoài ra, nhu cầu về các dịch vụ thương mại hậu mãi – với tổng trị giá 790 tỷ USD - sẽ giúp duy trì đội máy bay vận chuyển trong suốt thời gian này.

Darren Hulst, Phó Chủ tịch Tiếp thị Thương mại của Boeing cho biết: “Chúng tôi dự đoán nhu cầu mới vào khoảng 43.110 máy bay thương mại mới và nhu cầu về các dịch vụ hậu mãi tương đương 9 nghìn tỷ USD trong hai thập kỷ tới. Các máy bay vận tải sẽ vẫn là trụ cột của ngành vận tải hàng hóa với nhu cầu 930 máy bay mới và 1.500 máy bay chuyển đổi trong cùng một khoảng thời gian”.

Đây là một tin đáng ăn mừng đối với với IATA, trong đó cũng ghi nhận rằng một phần ba thương mại ở Vành đai Thái Bình Dương tính theo giá trị phụ thuộc vào hàng hóa đường hàng không.

Ông Darren Hulst cho biết thêm: “Ngành thương mại có giá trị cao này rất quan trọng để giúp khôi phục nền kinh tế bị tổn hại do COVID-19, chưa kể đến vai trò không thể thiếu của vận tải hàng không trong việc phân phối vắc xin cần phải đáp ứng trong tương lai gần”.