Thanh Hóa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 07:56, 07/05/2021
Nông sản Thanh Hóa trên đường xuất ngoại (ảnh minh họa)
Sự tăng trưởng này vừa có nguyên nhân do sự đình trệ xuất khẩu các nông sản trong quý 1/2020 khi dịch bệnh bùng phát khiến các doanh nghiệp lúng túng. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu đánh giá sự ổn định trong xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiếp diễn, các cửa khẩu biên giới chưa được thông thương một cách toàn diện.
Đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương, cho biết: Để tháo gỡ mọi khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn vị đã hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nhanh chóng các văn bản, khuyến cáo của Bộ Công Thương cũng như các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới, tránh hiện tượng ùn ứ, ách tắc. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài, tìm kiếm thị trường mới, mở rộng xuất khẩu hàng hóa chính ngạch.
Cũng theo đánh giá, phân tích của Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh đã đủ sức cạnh tranh và có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, các nước EU... Với sự đa dạng về khí hậu, địa hình, các mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu trong tỉnh hiện có nhiều tiềm năng phát triển đa dạng hơn nữa.
Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu, vùng nông sản trên địa bàn tỉnh đa số là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều. Mặt khác, sản xuất không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng là rất khó khăn; bố trí mùa vụ sản xuất không tập trung nên dễ xảy ra tình trạng nguồn cung thay đổi gây nên khủng hoảng thừa hoặc thiếu cục bộ, ngăn cản quá trình áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tăng chi phí sản xuất, gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và quản lý dịch bệnh.
Do đó, để tăng sức cạnh tranh, hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu nông sản, tỉnh Thanh Hóa đang định hướng tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và bảo đảm các quy trình sản xuất an toàn để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tiếp tục phối hợp triển khai tới vùng sản xuất các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng, cơ sở đóng gói,... cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với phía đối tác để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan tại biên giới. Về lâu dài, chỉ đạo, định hướng người dân, các cơ sở sản xuất nhận thức rõ hơn việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và bảo đảm các quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, sản xuất an toàn để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. Mặt khác, tăng cường các giải pháp kỹ thuật thâm canh để giảm chi phí, nhất là ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản để “chinh phục” được các thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như tăng giá trị và hiệu quả sản xuất.