Nông - lâm sản tăng tốc xuất khẩu
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:26, 14/05/2021
Chế biến gỗ tại Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) - Ảnh: NGỌC ÁNH
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt 17,15 tỉ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gạo và hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm nhưng nhờ giá bán tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng, trong khi những mặt hàng còn lại có kim ngạch tăng chủ yếu do lượng xuất khẩu tăng.
Doanh nghiệp nhỏ góp sức
Là doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp với mặt hàng truyền thống là mắm, thị trường chính là trong nước nhưng mới đây, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia (tỉnh Thanh Hóa) đã "chốt" được hợp đồng lớn xuất khẩu mắm tôm lần đầu sang Thái Lan và Myanmar. "Sản lượng dự kiến lên tới hàng trăm tấn/năm nhờ đối tác nhập khẩu là Tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever đã có sẵn kênh phân phối và am hiểu thị trường. Tuy là một hình thức gia công nhưng chúng tôi đã đàm phán để tên công ty được ghi đầy đủ trên nhãn sản phẩm" - ông Lê Anh, giám đốc công ty, hồ hởi khoe.
Ông cũng cho biết thêm công ty còn xuất khẩu được mắm tép pha loãng sang thị trường Hàn Quốc dùng trong chế biến món kim chi nổi tiếng. Nhờ đó, tổng giá trị xuất khẩu của DN tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 4, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt hơn 2,5 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020. VASEP cho rằng kết quả tích cực hơn mong đợi này cho thấy sự nỗ lực thích ứng của cộng đồng DN thủy sản Việt Nam. Covid-19 làm thay đổi thói quen tiêu thụ thủy sản, xáo trộn nhu cầu của các phân khúc thị trường nhưng DN đã linh hoạt trong chiến lược sản phẩm và thị trường để biến thách thức thành cơ hội.
Thống kê trong quý I/2021 có 80 DN tham gia xuất khẩu thủy sản rời thị trường nhưng có đến 129 DN mới tham gia. Điều này cho thấy nhiều DN đã tìm được cơ hội trong ngành thủy sản trong thời Covid-19.
Rau quả cũng là ngành có giá trị xuất khẩu tăng (9,5%) trong 4 tháng đầu năm với giá trị đạt 1,35 tỉ USD. Là DN khởi nghiệp với trang trại bơ 12 ha ở Bình Phước mới thu hoạch năm thứ 2 nhưng ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thương mại Thiên Nông (Bình Phước), cũng nhanh chóng kiếm được đầu mối thu mua xuất khẩu sang Thái Lan. "Hiện bơ đang đầu mùa nên thị trường rất hút, có bao nhiêu đối tác đều mua hết. Nhờ trang trại trồng giống bơ Mã Dưỡng không cầu kỳ trong bảo quản, để chín tự nhiên nên có lợi thế cho xuất khẩu. So với thị trường trong nước, hàng xuất khẩu cần hái sớm hơn do vận chuyển xa, còn lại không quá cầu kỳ về kích cỡ" - ông Hoàng bày tỏ.
Là DN thuộc tốp đầu xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường cao cấp, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cũng cho hay xuất khẩu và hiệu quả kinh doanh 4 tháng đầu năm của DN đều ghi nhận kết quả tích cực. "Nhờ Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh tốt nên các DN Việt có lợi thế hơn các đối thủ như Thái Lan, Malaysia. Hiện DN chào những sản phẩm mới như sầu riêng, vải thiều sang các thị trường mới như Canada, châu Âu đều nhận được phản hồi rất tích cực. Từ nay đến cuối năm, giá trị xuất khẩu rau quả còn tăng mạnh do đây mới là thời gian cao điểm của ngành hàng này" - bà Vy nhìn nhận.
Ngành gỗ tươi sáng
Theo thống kê của hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 4 tháng đầu năm đạt khoảng 4,98 tỉ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, lý giải xuất khẩu trong những tháng đầu năm tăng chủ yếu vào thị trường Mỹ, châu Âu. Trong đó, do Mỹ thiếu hụt nguồn cung nên tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam. "Mỹ có gói tài trợ Covid-19 cho người dân nên nhiều người mua sắm đồ gỗ để cấu trúc lại không gian sống. Chưa kể, vốn cho vay bất động sản cũng được giảm đáng kể nên sức mua của thị trường này tăng tới hơn 50%. Thị trường bất động sản tăng đồng nghĩa với việc mua sắm đồ gỗ nội thất tăng theo. Một số nước ở khu vực châu Âu cũng đã ngưng sản xuất đồ gỗ do tình hình dịch Covid-19 dẫn tới thiếu hụt nguồn cung buộc họ phải tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam" - ông Hoài lý giải.
Xuất khẩu thuận lợi cũng giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong ngành khởi sắc thấy rõ. Mới đây, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, lãnh đạo Công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành thông tin về doanh thu toàn công ty 4 tháng đầu năm đạt tới 130 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Với triển vọng tốt của ngành, Gỗ Đức Thành dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của công ty sẽ đạt 17 triệu USD, tăng khoảng 15% so với năm trước. Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết thời gian qua Gỗ Đức Thành đã chủ động không nhận nhiều đơn hàng vì làm không xuể và cũng để giữ uy tín với đối tác. Cũng theo bà Liễu, từ cuối năm 2020 đến nay, công ty liên tục ký nhiều đơn hàng lớn, thời hạn giao hàng gấp rút nên việc tổ chức sản xuất trở nên căng thẳng. Cuối năm 2020, công ty này đã mua thêm 14.000 m2 nhà xưởng tại Tân Uyên (Bình Dương) để triển khai hoạt động nhà máy sản xuất thứ 3, giúp mở rộng dây chuyền sản xuất, kho dự trữ nguyên liệu… đáp ứng kịp thời cho cơ hội tăng trưởng.
Tuy vậy, một số DN xuất khẩu sản phẩm gỗ cho rằng xuất khẩu tăng nhưng nhiều đơn hàng không hiệu quả, tức không có lãi vì giá nguyên liệu, vận chuyển tăng trong khi giá bán lại không thay đổi. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Giám đốc Công ty Gỗ Danh Mộc, gỗ nguyên liệu tăng 15%-20% so với năm ngoái, giá cước vận chuyển tăng gấp đôi gây khó khăn cho DN xuất khẩu sản phẩm gỗ. Một số gỗ nguyên liệu ở Mỹ đang thiếu hụt phải chuyển sang tìm mua ở châu Âu. Cũng theo ông Phương, các DN xuất khẩu gỗ đang đàm phán với khách hàng để điều chỉnh mức giá tăng lên theo giá nguyên liệu cũng như phí vận chuyển.