Phấn đấu đưa Thanh Hóa thành trung tâm logistics Bắc Trung Bộ
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:53, 13/05/2021
Phấn đấu đưa Thanh Hóa thành trung tâm logistics Bắc Trung Bộ
Trong quá trình xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Khu kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang khẳng định về sức hấp dẫn, thu hút được nhiều dự án đầu tư, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ.
Trong đó, KKTNS có cảng nước sâu Nghi Sơn là cảng quốc tế lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ và có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất Việt Nam. Theo báo cáo của Sở GTVT Thanh Hóa, hiện khu cảng Nam Nghi Sơn một số bến đã được đầu tư xây dựng xong hoặc đang xây dựng (4 bến tổng hợp Công ty Gang thép Nghi Sơn, bến số 6 của Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh, bến số 7 và 8 của Công ty Xi măng Long Sơn...) và các bến đang chuẩn bị đầu tư (bến số 9 và 10 của Công ty Xi măng Long Sơn và một số bến tại khu bến container số 2).
Ngày 09/5/2019, Tập đoàn CMA của Pháp, một hãng tàu vận tải container lớn thứ 3 thế giới đã quyết định mở tuyến vận tải container quốc tế đến Nghi Sơn. Ước tính có khoảng 114 chuyến tàu container đã ra vào với 20.000TEUs hàng hóa thông qua cảng. Dự kiến, tháng 5/2021, hãng tàu container SITC, Trung Quốc cũng sẽ nghiên cứu và mở một số tuyến tại Nghi Sơn đi các nước nội Á.
Với hạ tầng giao thông phát triển sẽ có lợi thế khai thác dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức cho hàng hóa qua cảng biển
Với hạ tầng giao thông phát triển sẽ có lợi thế khai thác dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức cho hàng hóa qua cảng biển. Đây là tiềm năng và lợi thế phát triển của cảng biển Nghi Sơn nói riêng và hệ thống cảng biển tỉnh Thanh Hóa nói chung. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của Thanh Hóa mới đạt khoảng 30% tổng khối lượng hàng hóa lưu thông qua địa bàn tỉnh hàng năm.
Để phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm dịch vụ logistics cấp vùng, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2119/QĐUBND, của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển, vận tải biển, logistics trên địa bàn tỉnh...
Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: “Từng bước phát triển dịch vụ logistics Thanh Hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách Nhà nước; đồng thời, hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh phát triển… Đi đôi với đó, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối, liên thông với các cảng biển, trung tâm logistics... để phát triển vận tải đa phương thức. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cảng biển nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống cảng Nghi Sơn theo quy hoạch; nâng cao năng lực khai thác cảng Nghi Sơn, cảng Lễ Môn, kêu gọi đầu tư xây dựng cảng Quảng Châu. Xây dựng thương hiệu cho Cảng container quốc tế Nghi Sơn để thu hút được các chủ hàng ở tỉnh Thanh Hóa và trong vùng đưa hàng hóa về vận chuyển qua cảng biển Nghi Sơn. Tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển, vận tải biển, logistics trên địa bàn tỉnh; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các hãng vận tải biển lớn, các doanh nghiệp logistics trong và nước ngoài có năng lực hoạt động xuất, nhập khẩu tại KKTNS.