Hoàn thiện chính sách để xuất khẩu gạo theo chuẩn hội nhập

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:23, 21/05/2021

(VLR) Nhờ chính sách “cởi trói” cho xuất khẩu gạo thông qua loạt chính sách thông thoáng, thời gian qua ngành lúa gạo Việt đã gây dựng được tiếng vang trên thị trường quốc tế và ngày càng khẳng định được vị trí thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, để ngành gạo xuất khẩu vươn lên vị trí số 1, nhiều ý kiến cho rằng chính sách vẫn cần có sự thay đổi phù hợp với giai đoạn hội nhập.

Việc sản xuất lúa gạo gần đây đã có nhiều cải thiện về giá trị, chất lượng theo hướng cung - cầu của thị trường. Trong ảnh là một hợp tác xã kiểu mới tại An Giang được bàn giao các sản phẩm máy gặt hiện đại để thu hoạch

Việc sản xuất lúa gạo gần đây đã có nhiều cải thiện về giá trị, chất lượng theo hướng cung - cầu của thị trường. Trong ảnh là một hợp tác xã kiểu mới tại An Giang được bàn giao các sản phẩm máy gặt hiện đại để thu hoạch

Cung đã gặp cầu

Trong 4 tháng đầu năm 2021 dù gặp nhiều thách thức song xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn ghi nhận kết quả tích cực khi đạt 1,973 triệu tấn, trị giá 1,072 tỷ USD. So với cùng kỳ về số lượng giảm 6,95% nhưng về trị giá tăng 7,34% - cho thấy giá trị của gạo Việt đã ngày càng cải thiện trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV (Vĩnh Long), nhận định: Trong vòng 3 năm trở lại đây giá trị hạt gạo Việt đang cải thiện rất tốt khi liên tục đứng trong top nhất nhì thế giới. Đáng mừng hơn là từ đầu năm tới nay giá gạo Việt luôn ở mức cao hơn so với Thái Lan khoảng 20 USD/tấn (những năm trước gạo Thái có giá trị cao hơn Việt Nam). Điều này cho thấy chúng ta không hề “ăn may” mà đây là cả một quá trình ngành gạo đã tái cơ cấu, cải thiện chất lượng theo hướng thị trường. Và việc cải thiện các chính sách, cụ thể là việc ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, thay thế cho Nghị định số 109/2010/NĐ-CP chính là một nhân tố rất tích cực.

Nghị định 107 có nhiều điểm mới thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý, là những bước tiến mới về thể chế theo hướng mở, tạo thuận lợi cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo. Những doanh nghiệp như chúng tôi từ chỗ chỉ làm theo hợp đồng tập trung thì nay làm theo hợp đồng thương mại, đi theo hướng thị trường và chỉ sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần. Từ đó cung cầu gặp nhau, kéo giá trị của hạt gạo tăng lên” - ông Thành đánh giá.

Đồng quan điểm này, ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice - cho rằng, hiện tại chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu gạo của Việt Nam đã khá hoàn thiện và ổn định, giúp doanh nghiệp đi theo hướng của thị trường tốt hơn.

Gạo xuất khẩu của chúng tôi liên tục bán giá ổn định ở mức cao đi các thị trường như EU, Trung Đông. Nhờ chất lượng ổn định nên đơn hàng luôn không thiếu, thậm chí có những thời điểm doanh nghiệp còn không dám nhận thêm hợp đồng vì sợ không giao kịp tiến độ cho khách hàng”, ông Có chia sẻ.

Một điểm đáng chú ý khác là nhờ cơ chế chính sách được “cởi trói” mà gạo xuất khẩu của Việt đã chinh phục được các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thậm chí trong bối cảnh dịch bệnh còn căng thẳng nhưng một số doanh nghiệp vẫn liên tiếp trúng thầu các hợp đồng lớn tại những nước này. Điển hình là ngày 14/5 vừa qua, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã trúng thầu bán hai lô gạo lứt hạt dài cho thị trường Hàn Quốc với tổng khối lượng 22.222 tấn, giá xuất khẩu bình quân 500 USD/tấn và được giao trong tháng 9, 10/2021. Như vậy, chỉ trong vòng 4 tháng, Trung An đã hai lần trúng thầu xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách để thúc đẩy xuất khẩu

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, dù hiện tại chính sách cho xuất khẩu gạo đã tương đối ổn định tuy nhiên trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh (UKVFTA) thì vẫn cần có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Cụ thể, việc tham gia các FTA mới ngoài đem lại lợi ích về thuế quan cho xuất khẩu cũng sẽ có nhiều rào cản khắt khe như rào cản về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như gạo ngoại tràn vào Việt Nam theo cam kết mở cửa. Bên cạnh đó, do quy định của Nghị định 107 doanh nghiệp không bị ràng buộc về điều kiện năng lực vốn, bảo đảm vùng nguyên liệu, quy mô kho bãi tồn trữ… nên có quá nhiều đơn vị chỉ làm thương mại tham gia xuất khẩu gạo, tạo ra một cơ chế thu mua, chế biến thông qua nhiều tầng trung gian, dẫn tới lợi nhuận của nông dân bị giảm…

Do đó, chuyên gia cho rằng, cần sớm nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngoài các vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng, việc kết nối xúc tiến thương mại cho ngành gạo trong giai đoạn tới cũng cần thay đổi theo hướng chuyên sâu hơn. “Thay vì tổ chức xúc tiến chung ngành hàng nông sản thì chúng ta nên có xúc tiến riêng theo nhóm hàng gạo. Cùng với đó, việc xúc tiến theo thị trường trọng điểm cũng nên có chú trọng hơn, không nên dàn trải”- ông Thành đề xuất.

Báo Công Thương