Sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử: Lấp đầy "khoảng trống" pháp lý
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:18, 03/06/2021
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT
Cần tiếp tục sửa đổi
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là khó khăn trong quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài. Thực tế cho thấy, số lượng người bán nước ngoài trên các sàn TMĐT Việt Nam đang gia tăng về số lượng. Điều đó đặt ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối trong TMĐT, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến.
Với tốc độ tăng trưởng hàng năm thuộc Top 3 quốc gia đẫn đầu khu vực Đông Nam Á, TMĐT Việt Nam đang là lĩnh vực thu hút mạnh các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Hoạt động đầu tư được thực hiện chủ yếu thông qua đầu tư gián tiếp qua công ty con tại một quốc gia thứ ba, hoặc các hình thức hợp tác kinh doanh khác ngoài việc góp cổ phần khiến việc định danh, quản lý và giám sát gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về các biện pháp giám sát nhằm đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp nước ngoài trên các hệ thống TMĐT do tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài nắm giữ, cũng như đảm bảo sự bình đẳng về quản lý giữa mô hình phân phối truyền thống và mô hình phân phối TMĐT.
"Mặc dù Nghị định 52 đã qua 3 lần sửa đổi nhưng đến nay các quy định đã có những lỗ hổng vẫn phải tiếp tục sửa đổi"- đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số khẳng định.
Siết chặt quản lý
Bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - cho biết, Dự thảo sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT với nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm của chủ các sàn TMĐT trong việc kiểm soát, sàng lọc thông tin, chất lượng hàng hóa nhằm bảo vệ người tiêu dùng, cũng như quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo được mở rộng với đối tượng là các thương nhân, tổ chức có yếu tố nước ngoài có website TMĐT hoạt động ở Việt Nam. "Trên thực tế, các hình thức phân phối hàng hóa đang phát triển rất nhanh và nhiều đơn vị đã lợi dụng những kẽ hở về luật pháp để kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Để vá các lỗ hổng này, ban soạn thảo đã đưa ra các quy định để trách nhiệm của chủ sàn, thông tin hàng hóa bắt buộc thể hiện trên website…"- bà Lại Việt Anh nêu cụ thể.
Đáng chú ý, Nghị định sẽ bổ sung một số quy định nhằm quản lý hoạt động TMĐT của những thương nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ TMĐT vào Việt Nam qua các website, các ứng dụng di động hoặc những thương nhân nước ngoài bán hàng trên các sàn TMĐT Việt Nam.
"Để quản lý chặt hơn hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài, Dự thảo bổ sung thêm một số điều kiện như: Nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ 1 doanh nghiệp thuộc 5 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường TMĐT phải có ý kiến thẩm định của Bộ Công an"- đại diện lãnh đạo Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết.