Phát triển kinh tế miền Trung: "Không phải chuyện riêng của 14 tỉnh"

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:40, 14/10/2019

(VLR) Sở hữu mặt tiền hướng ra biển Đông, với đường bờ biển dài 1.900km, các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển, tạo thế tiến ra biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Địa bàn chiến lược nhưng chưa khai thác được thế mạnh

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT), vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (miền Trung) là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhiều năm trở lại đây, khu vực miền Trung có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển khá nhanh và đồng bộ. Với hệ thống đường bộ, đường thủy, đường hàng không thông suốt, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông-Tây khu vực Đông Nam Á và liên thông với quốc tế...

Đặc biệt, ngày 13/10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1874/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch). Quy hoạch xây dựng vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung thành trung tâm kinh tế biển mạnh, vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng công nghiệp gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại... Là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dân số toàn vùng khoảng 20,2 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước; diện tích tự nhiên chiếm 28,9% cả nước. Trong đó, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đây là vùng kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam với diện tích bằng 8,5% và dân số chiếm 7% cả nước.

Theo Bộ KH - ĐT, năm 2019 dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Trung đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,5%; các chỉ tiêu về thu - chi ngân sách, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, số lượng khách du lịch... tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ; có 9/10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, riêng chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn dự kiến chỉ đạt 94,57% so với kế hoạch; môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Bên cạnh đó, các tỉnh trong vùng đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước để đảm bảo huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, miền Trung vẫn còn một số tồn tại và hạn chế. Nhất là động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu. Ông Dũng cho biết, trong 14 tỉnh, chỉ có 4 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ; các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng còn hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22% - 23%.

Không phải chuyện của riêng 14 tỉnh

Tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung diễn ra tại TP. Quy Nhơn (Bình Định) ngày 20/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, GDP 28 tỉnh ven biển chiếm 73% cả nước, trong lúc miền Trung có 14 tỉnh thành nhưng chỉ chiếm chưa được 20% là quá khiêm tốn. Về du lịch, miền Trung có thế mạnh so với các vùng như bãi biển, di sản nhưng doanh thu chưa được 20% cả nước... Về dân số, 14 tỉnh thành miền Trung có trên 20 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước, đây là một loại tài sản rất quan trọng. Miền Trung cần phải làm sao để con người miền Trung đóng góp cho quê hương, làm sao thu hút được những người tài giỏi đến đây để làm việc...

Phát triển miền Trung không phải việc riêng của 14 tỉnh. Sự hiện diện đông đủ của không chỉ đại diện các tỉnh miền Trung, mà cả lãnh đạo các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội tại hội nghị này thể hiện tầm quan trọng của sự phát triển miền Trung đối với đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung

Về liên kết vùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói đây là bài toán sống còn đối với tất cả các địa phương trong vùng, nhưng đến nay miền Trung vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhất là những bài toán liên kết về hạ tầng, đào tạo nhân lực, phân công lao động, phân công sản xuất... để tối ưu hóa phương án đầu tư... Mỗi một địa phương miền Trung như một “đốt sống” kinh tế nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng.

Thủ tướng cho rằng, miền Trung đươc ví như chiếc đòn gánh. Nếu hai đầu quá nặng mà đòn gánh yếu thì sẽ gãy. Ông nói: “Phát triển miền Trung không phải việc riêng của 14 tỉnh. Sự hiện diện đông đủ của không chỉ đại diện các tỉnh miền Trung, mà cả lãnh đạo các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội tại hội nghị này thể hiện tầm quan trọng của sự phát triển miền Trung đối với đất nước”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các Bộ, ngành, địa phương thẳng thắn chỉ ra các nút thắt để tìm ra giải pháp xác thực, hiệu quả hơn, nhất là chính sách, quan điểm phát triển để tháo gỡ; đưa ra được những giải pháp, ý tưởng và đề xuất cụ thể để ban hành một chỉ thị của Thủ tướng thúc đẩy ngay sau hội nghị. Đặc biệt là những giải pháp cho năm 2020 và kế hoạch 5 năm tới.

Trần Trình Lãm