Tạo thuận lợi tối đa trong cấp C/O
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:21, 24/06/2021
Tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu
Nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan
Theo Bộ Công Thương, 5 năm gần đây, tổng kim ngạch XK sử dụng các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32 -34%/năm. Kết quả này phản ánh, DN và hàng hóa XK từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.Đơn cử, kể từ khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (ngày 1/8/2020) đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các DN XK hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Tuy nhiên, theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ kim ngạch hàng hóa XK sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA trong tổng kim ngạch XK còn tương đối thấp. Nguyên nhân chủ yếu do những vấn đề liên quan tới quy tắc xuất xứ. Nhiều DN không hiểu rõ về quy tắc xuất xứ, ngoài ra, ngôn ngữ trong các thông tư về quy tắc xuất xứ theo FTA vẫn chưa dễ hiểu.
Bên cạnh đó, tự chứng nhận xuất xứ là cơ chế chứng nhận xuất xứ hiện đại, đã trở thành tiêu chuẩn ở nhiều nước. Cơ chế này cho phép loại bỏ thủ tục xin chứng nhận xuất xứ tại cơ quan có thẩm quyền, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nguồn lực cho DN và xã hội. Đây được xem là công cụ quan trọng để tăng hiệu quả tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA, thúc đẩy mạnh mẽ kim ngạch xuất nhập khẩu.
Trong một số FTA gần đây, Việt Nam đã cam kết về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nhưng có bảo lưu về thời gian thực hiện đối với trường hợp chứng nhận của nhà sản xuất, XK Việt Nam. Tuy nhiên, ngoại trừ một số DN được tự chứng nhận xuất xứ theo mô hình thử nghiệm trong ASEAN (ATIGA), Việt Nam chưa áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ đối với bất kỳ FTA nào.
Do đó, VCCI cũng kiến nghị, Bộ Công Thương sớm thành lập Tổ công tác về Quy tắc xuất xứ theo các FTA với nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ về quy tắc xuất xứ cho DN muốn tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất nhập khẩu hàng hóa và xử lý vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA. Tổ công tác cũng sẽ tổng hợp các vấn đề bất cập về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ của FTA, định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ Công Thương để có quyết định điều chỉnh chính thức kịp thời.
Tháo gỡ khó khăn về xuất xứ hàng hóa
Thực tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện tối đa về cấp C/O cho DN. Đơn cử, để góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các địa phương, ngày 25/5/2021, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã ban hành Công văn số 334/XNK-XXHH đề nghị các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp C/O cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và những mặt hàng đang vào vụ, có thời gian thu hoạch ngắn.
Tuy nhiên, trước bối cảnh tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa đang diễn biến phức tạp, để phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa và đảm bảo các lô hàng cấp C/O được hưởng ưu đãi thuế quan, Cục Xuất nhập khẩu đã ban hành Công văn số 349/XNK-XXHH đề nghị các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O ưu đãi thực hiện một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị thực hiện nghiêm túc Quyết định số 824/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ". Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra chặt chẽ hồ sơ đề nghị cấp C/O đối với hàng hóa xuất khẩu có nguy cơ gian lận xuất xứ. Ngoài ra, lưu ý các mặt hàng thuộc danh sách theo dõi các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế được Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) thông báo và cập nhật hàng quý và các mặt hàng DN từ trước tới nay chưa (hoặc ít khi) đề nghị cấp C/O.