Vượt qua khó khăn do dịch bệnh, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:18, 30/06/2021
Xuất nhập khẩu vượt qua khó khăn của đại dịch
Xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,01 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỷ USD.
Chia sẻ về tình hình xuất nhập khẩu những tháng đầu năm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương nhận định, mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nhưng hoạt động xuất nhập khẩu đang có sự phục hồi rất mạnh mẽ. Sức mua của thế giới gia tăng trở lại đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, đặc biệt phục vụ cho sản xuất nhóm hàng xuất khẩu của thị trường Việt Nam cũng đang gia tăng rất cao.
Phát triển xuất khẩu bền vững
Tình hình dịch bệnh đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và sẽ rất khó khăn để dự báo về kết quả xuất nhập khẩu trong tương lai. Song, để phát triển xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới. Các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này.
Cụ thể, để xuất khẩu bền vững, việc tạo được nguồn hàng ổn định cho xuất khẩu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tại chiến lược, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng hàm lượng công nghệ lớn, có giá trị gia tăng cao, ưu tiên các ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng, ít tác động tới môi trường, giảm phát thải. Đồng thời, rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại; đổi mới công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều giải pháp để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đây không chỉ là hoạt động quan trọng để giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu, mà còn tránh những rủi ro, bất lợi từ việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nào đó, nhất là khi tăng trưởng xuất khẩu vào một thị trường quá cao có thể dẫn đến các biện pháp phòng vệ, hạn chế thương mại. Chống gian lận xuất xứ cũng là một giải pháp cấp bách để giúp xuất khẩu duy trì tăng trưởng bền vững, không bị các nước áp dụng biện pháp hạn chế thương mại. Phát triển logistics để cắt giảm chi phí cho hoạt động xuất khẩu cũng cần được quan tâm, trong đó bao gồm cả việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng và nâng cao chất lượng, năng lực cung cấp dịch vụ logistics.
Nhằm đẩy mạnh khai thác cơ hội từ các FTA, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các chương trình đào tạo, phổ biến cho doanh nghiệp dưới các hình thức đa dạng; trong đó có hình thức trực tuyến; xây dựng đầu mối hỗ trợ thực thi tại các bộ, ngành và địa phương. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chú trọng xây dựng các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng, doanh nghiệp.