Gemadept đặt mục tiêu trở thành tập đoàn dẫn đầu Việt Nam về hệ sinh thái tích hợp cảng - logistics

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:30, 01/07/2021

(VLR) Càng tham gia vào dòng chảy kinh tế, góp phần thúc đẩy tạo ra giá trị gia tăng cho đất nước, Công ty Cổ phần Gemadept (Gemadept) càng lớn mạnh và chuyên nghiệp. Nỗ lực vượt lên những thách thức của đại dịch toàn cầu, với tầm nhìn trở thành một tập đoàn dẫn đầu Việt Nam về hệ sinh thái tích hợp cảng và logistics, Gemadept tiếp tục phát triển vững bước và là một trong những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế quốc gia.

Gemadept đặt mục tiêu trở thành tập đoàn dẫn đầu Việt Nam về hệ sinh thái tích hợp cảng - logistics

Gemadept đặt mục tiêu trở thành tập đoàn dẫn đầu Việt Nam về hệ sinh thái tích hợp cảng - logistics

Những điểm sáng kinh tế tạo đà tăng trưởng

Đối với nền kinh tế đất nước, 6 tháng đầu năm 2021 mặc dù chịu tác động của đợt tái bùng phát đại dịch vẫn gặt hái những thành quả nhất định. Cụ thể, kinh tế tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019; kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ ở mức 32,2%.

Hưởng lợi trực tiếp từ các Hiệp định, cũng như xu hướng chuyển dịch các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn FDI. Những thành quả này thể hiện nỗ lực của Chính phủ, các cấp, các ngành, nhân dân cả nước và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Cầu nối kinh tế thông qua lĩnh vực khai thác cảng tiếp tục duy trì nhịp điệu sôi động với đóng góp chủ lực từ khu vực miền Nam với hơn 70% sản lượng container thông qua cảng biển của cả nước. Trong đó, khu vực Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) liên tục đạt mức tăng trưởng trên hai con số trong 5 năm qua - thuộc hàng cao nhất trên thế giới, tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của cụm cảng trung chuyển lớn nhất cả nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng trưởng của xuất nhập khẩu.

Kỷ nguyên năng động mới của Gemadept

Nhanh chóng hoàn tất xây dựng cảng nước sâu Gemalink, vận hành thử nghiệm từ cuối năm 2020 và chính thức đón chuyến tàu thương mại đầu tiên ngày 19/01/2021, Gemadept đặt mốc son quan trọng của chặng đường 30 năm xây đắp nền tảng và mở ra một kỷ nguyên mới năng động và phát triển bền vững cùng đất nước.

Là thành viên mới trong chuỗi 8 cảng từ Bắc vào Nam của Gemadept, siêu cảng nước sâu Gemalink có vị trí chiến lược nhất cho khai thác cảng nước sâu với quy mô hàng đầu cả nước. Đặc biệt, cảng sở hữu những đặc tính ưu việt vượt trội so với các cảng khác trong cùng khu vực CM-TV từ vị trí đắc địa ngay tại cửa biển, nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế đến tổng chiều dài cầu bến chính gần 1,2km và bến chuyên dụng riêng biệt dành cho tàu Feeder và tàu sông để đảm bảo có thể tiếp nhận làm hàng đồng thời cho cả 3 tàu mẹ và các tàu sông tại cùng một thời điểm.

Cảng Gemalink hoạt động đúng “ thời điểm vàng” của thị trường, đáp ứng nhu cầu bứt thiết của hàng loạt các hãng tàu lớn và xu thế dịch chuyển nguồn hàng đến khu vực cảng Cái mép. Do đó, kỳ vọng cảng Gemalink sẽ tiếp tục tự hào tạo nên kỳ tích mới cho một cảng biển của người Việt: có được lợi nhuận ngay trong năm đầu tiên hoạt động – điều mà rất ít cảng biển trên thế giới thực hiện được.

Hành trình trở thành một Tập đoàn dẫn đầu Việt Nam về hệ sinh thái tích hợp cảng – logistics đã bắt đầu ghi danh tên tuổi cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam - Gemalink. Cùng với hệ thống cảng vệ tinh là cảng Bình Dương và cảng Phước Long được kết nối bằng đường nội thủy, cảng nước sâu Gemalink nói riêng, hệ sinh thái tích hợp cảng - logistics của Gemadept nói chung đang từng bước góp phần tiết giảm chi phí và rút ngắn thời gian đưa hàng hóa Việt Nam đi thẳng đến Mỹ và châu Âu.

Gemadept và kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững

Khi bối cảnh năm 2021 biến động và còn nhiều thách thức, Gemadept đã tự tin đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 theo 2 kịch bản. Đối với kịch bản lạc quan, doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 2.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 37% so với năm 2020. Trong kịch bản trung bình, doanh thu dự kiến là 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 630 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 23% so với năm 2020.

Gemadept với kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững

Gemadept với kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững

Có thể thấy dù ở kịch bản nào, kế hoạch tăng trưởng của Gemadept đều khá ấn tượng. Điều này thể hiện rõ quyết tâm và quan điểm kinh doanh của ban lãnh đạo Gemadept: Thận trọng nhưng phải vận dụng phát huy mọi tiềm năng và tăng trưởng mạnh mẽ. Rõ nhất khi nhìn lại chặng đường 5 năm vừa qua, Gemadept luôn đặt kế hoạch tăng trưởng thách thức và quyết tâm cao. Và giai đoạn 2021-2025 sắp tới, công ty đã đặt mục tiêu sản lượng và lợi nhuận trước thuế năm 2025 tăng gấp 3 lần so với năm 2020, như vậy tăng trưởng bình quân hàng năm là 24%, khi mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm của Việt Nam ở mức 6,5 - 7%.

Thực tế cho thấy có mối tương quan mật thiết giữa tăng trưởng GDP và xuất nhập khẩu với hoạt động kinh doanh khai thác các bến bãi, cầu cảng, vận tải của Gemadept. Càng thúc đẩy dòng chảy kinh tế và tạo ra giá trị gia tăng cho đất nước, Gemadept càng lớn mạnh và chuyên nghiệp hơn.

Cùng với việc tiếp tục quyết tâm tập trung công tác chuẩn bị để triển khai giai đoạn 2 cảng nước sâu Gemalink và giai đoạn 2 cảng Nam Đình Vũ ngay từ cuối năm 2021, Công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động Port-Logistics, khai thác tối đa và mở rộng chuỗi dịch vụ để tối ưu hóa lợi nhuận trên mỗi container thông qua hệ thống; hướng đến phát triển hoàn thiện hệ sinh thái tích hợp cảng - logistics xanh và ngày càng bền vững hơn.