Bàn giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu cho quả nhãn

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:16, 17/07/2021

(VLR) Chiều 16/7, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với nhiều tổ chức kinh doanh, Thương vụ Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu nhãn quan trọng của Việt Nam tổ chức Phiên tư vấn trong khuôn khổ Hội nghị “Giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam năm 2021”.

Hội nghị “Giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam năm 2021” điểm cầu tại Cục Xúc tiến thương mại

Hội nghị “Giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam năm 2021” điểm cầu tại Cục Xúc tiến thương mại

Phiên tư vấn nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn nhãn của Việt Nam cách thức thâm nhập, phát triển các thị trường xuất khẩu.

Tiềm năng xuất khẩu lớn

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - cho biết: Việt Nam đang vào vụ nhãn - một loại trái cây đặc sản nhiệt đới được trồng phổ biến ở một số địa phương trên cả nước, thậm chí có những vùng chuyên canh rất lớn lên tới hàng chục ngàn hécta. Có đến cả chục giống nhãn khác nhau, như nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Hương Chi, nhãn xuồng cơm vàng, nhãn Miền Thiết, nhãn Sông Mã, nhãn tiêu da bò miền Tây... Ngoài những loại nhãn trên, Việt Nam còn có một số loại nhãn được xếp vào hàng hiếm, như nhãn đường phèn, nhãn bắp cải, nhãn tím.

Ngoài việc tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước, nhãn Việt Nam đã được một số thị trường lớn và người tiêu dùng trên thế giới biết đến và đón nhận như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, châu Âu, Trung Đông...

Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh: Trong số các thị trường này, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn tươi vào các thị trường có thứ hạng cao như Australia, Mỹ.., đáp ứng chuẩn các quy định của nước nhập khẩu như truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản xuất và xuất khẩu theo quy trình đáp ứng yêu cầu chất lượng, xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật đáp ứng điều kiện nhập khẩu hoa quả tươi của nước nhập khẩu; trước khi xuất khẩu được xử lý theo các biện pháp phù hợp đảm bảo không có côn trùng.

“Điều này đồng nghĩa với việc quả nhãn tươi xuất khẩu của Việt Nam đã được công nhận có chất lượng cao, hoàn toàn có thể tự tin lưu thông ở nhiều thị trường khó tính khác”, Cục trưởng Vũ Bá Phú khẳng định.

Tuy nhiên, hiện nay, lượng nhãn Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài còn khiêm tốn so với tiềm năng và cần nhiều giải pháp thực tiễn để phát triển. Do vậy, “trong phiên tư vấn của hôm nay, các cơ quan XTTM của Trung Quốc, đại diện nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, tư vấn cho các địa phương trồng nhãn và các doanh nghiệp xuất khẩu nhãn của Việt Nam cách thức đưa các sản phẩm nhãn Việt Nam thành công vào thị trường nước sở tại”, Cục trưởng Vũ Bá Phú kỳ vọng,

Giới thiệu về sản phẩm nhãn sông Mã của tỉnh Sơn La với các đối tác, các thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - cho hay: Sơn La hiện có trên 19.000ha nhãn, sản lượng dự kiến năm 2021 đạt 112.000 tấn. Trong đó, có 2.246ha được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã vùng trồng, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 22.000 tấn để phục vụ xuất khẩu.

Sản phẩm nhãn của Sơn La đã được doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đã sản xuất theo quy trình an toàn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Nhãn của Sơn La trong những năm vừa qua ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng đã xuất khẩu được sang một số thị trường như: Mỹ, Australia, Hà Lan, Anh, Pháp, Trung Quốc…

Ngoài quả nhãn tươi, tỉnh Sơn La còn có sản phẩm long nhãn với số lượng khoảng 6.000 tấn/năm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La kỳ vọng: Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tìm hiểu kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh để tiêu thụ và xuất khẩu nhãn và sản phẩm từ nhãn trong niên vụ 2021.

“Tỉnh Sơn La sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nhãn trong niên vụ năm nay”, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cam kết.

Nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn

Khẳng định chất lượng nông sản, trong đó có trái cây tươi của Việt Nam đang được người tiêu dùng Trung Quốc ưa dùng, ông Dư Tâm Thâm - Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Ôn Châu (Trung Quốc) - cho rằng: Ôn Châu sẽ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho trái cây tươi của Việt Nam, trong đó có quả nhãn. Hiện, Ôn Châu có hơn 7.000 doanh nghiệp thương mại; có đường vận chuyển thẳng từ Ôn Châu đến Hải Phòng (Việt Nam) và đường bay trực tiếp từ Ôn Châu đến Đà Nẵng (Việt Nam). Không chỉ vậy, Ôn Châu còn có lợi thế về kho bãi, cảng biển; có nhiều thương nhân Ôn Châu ở nước ngoài, chưa kể đến có hàng triệu Hoa kiều sinh sống rộng rãi trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Chúng tôi kỳ vọng, sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam, trong đó có quả nhãn sẽ sớm hiện diện tại thị trường Ôn Châu”, ông Dư Tâm Thâm kỳ vọng và lưu ý, các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu của Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện như: Chất lượng sản phẩm ổn định; có thương hiệu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, bảo quản, nhất là đối với sản phẩm nước trái cây đóng hộp, sấy khô… Đặc biệt, khi hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm những đối tác phù hợp để cùng phát triển thị trường.

Quả nhãn của Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu

Quả nhãn của Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu

“Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Ôn Châu sẵn sàng hợp tác với Cục XTTM Việt Nam để kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam với các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản Ôn Châu. Đồng thời, tận dụng hàng loạt lợi thế của Ôn Châu để tăng cường nhập khẩu nông sản Việt Nam”, ông Dư Tâm Thâm khẳng định.

Cùng chung quan điểm, bà Hứa Tiểu Xuyên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa quả Trung Quốc - Đông Nam Á khu vực Bằng Tường - cho hay: Diện tích trồng nhãn của Trung Quốc hiện không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước. Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu nhãn tươi từ Việt Nam, Thái Lan…

“Quả nhãn Việt Nam có cùi dày, ngọt, giá thành phù hợp nên khả năng cạnh tranh là rất lớn. Ngoài việc xuất khẩu quả nhãn tươi vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt cần không ngừng nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế biến có công suất lớn, nhất là long nhãn và các sản phẩm đóng hộp”, bà Hứa Tiểu Xuyên khuyến cáo.

Cũng theo thông tin từ Cục XTTM, trước Hội nghị “Giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam năm 2021”, Cục XTTM đã tổ chức các phòng giao dịch trực tuyến giữa các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng nhãn Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài trong hai ngày 15 và 16/7/2021.

Đã có gần 200 cuộc giao thương được diễn ra giữa gần 30 doanh nghiệp Việt Nam từ các tỉnh, thành phố như An Giang, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Tháp, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Sơn La, Tiền Giang… với gần 70 nhà nhập khẩu nước ngoài đến từ CHLB Đức, Hà Lan, Mỹ, Indonesia, Malaysia, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…

Tại các phiên giao thương, các doanh nghiệp, nhà vườn nhãn Việt Nam đã giới thiệu, quảng bá tới khách nước ngoài đa dạng sản phẩm nhãn chất lượng cao của Việt Nam như nhãn tươi, long nhãn sấy khô, phấn hoa nhãn, mật ong hoa nhãn, nhãn ngâm đường, siro, nước nhãn... từ nhiều vùng nhãn lớn của Việt Nam. Một số nhà nhập khẩu lớn tại Hoa Kỳ, Hà Lan, Pháp, thương nhân Trung Quốc, chuỗi siêu thị tại Singapore… đã bày tỏ quan tâm sâu tới các sản phẩm nhãn của Việt Nam và đề đạt mong muốn nhập khẩu số lượng đáng kể các lô hàng nhãn tươi, sản phẩm nhãn chế biến của Việt Nam.

Báo Công Thương