Tân Cảng Sài Gòn cùng đồng hành với doanh nghiệp duy trì hoạt động thông suốt, an toàn

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 20:13, 10/08/2021

(VLR) Với mục đích kịp thời cập nhật về hình hình hoạt động cũng như các chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện sản xuất gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) đã tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Đảm bảo hàng hóa thông suốt qua cảng”. Hội thảo vừa diễn ra chiều nay (10/8) theo hình thức trực tuyến.

Tân Cảng Sài Gòn đang nỗ lực triển khai các nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp

Tân Cảng Sài Gòn đang nỗ lực triển khai các nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp

Đảm bảo an toàn sản xuất là ưu tiên số 1

Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài trong hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Ở Việt Nam, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống người lao động gặp khó khăn,… không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường.

Nhận thấy những khó khăn đó, TCSG đã chủ động đánh giá tình hình, kiến nghị, đề xuất với các bộ ngành, địa phương, trực tiếp là UBND TP. HCM, Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương),… các giải pháp cấp bách, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tại nhằm mục tiêu đảm bảo hàng hóa thông suốt qua cảng, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Với các đề xuất, kiến nghị của TCSG, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt và tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ cho TCSG về cơ chế chính sách để duy trì sản lượng tồn bãi với công suất, sức chứa cho phép, đảm bảo việc giao nhận hàng hóa và tốc độ giải phóng tàu, không còn khả năng hàng hóa tồn bãi tăng cao, gây áp lực cho sản xuất và không còn nguy cơ làm gián đoạn hoạt động của cảng.

Trên cơ sở các giải pháp được thông nhất và các văn bản của cơ quan chức năng, ngày 05/8 vừa qua, TCSG đã ban hành Thông báo số 2551/TB-TCg có hiệu lực từ ngày 07/08 về các nhóm giải pháp tiến hành song song cùng chính sách ưu đãi cho khách hàng. “Chúng tôi thực hiện đồng bộ 4 giải pháp gồm thực hiện nghiêm phương án phòng chống dịch; Tăng tốc độ giải phóng container hàng nhập ra khỏi cảng; Tăng năng lực bãi chứa hàng trong và ngoài cảng; Điều phối hợp lý lượng hàng nhập từ các cảng khác chuyển về Cát Lái có nguy cơ tồn đọng lâu”, ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty TCSG cho biết.

Chia sẻ cụ thể về các giải pháp mà TCSG đã và đang áp dụng, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing TCSG cho biết: “Công thức duy trì sản xuất an toàn trong mùa dịch của TCSG gói gọn trong 8 chữ: 5K - xét nghiệm - vắc xin - công nghệ. Với việc thực hiện mục tiêu kép nên mục tiêu đảm bảo an toàn sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh là ưu tiên số 1 nhằm duy trì hoạt động các cơ sở”.

Đối với hoạt động tại cảng Tân Cảng - Cát Lái (TCCL) và Tân Cảng - Hiệp Phước (TCHP) duy trì đảm bảo hoạt động sản xuất trong 24/7, phát huy tối đa thủ tục eport công thông tin cảng, chủ động phương thức ký kết chứng từ với tàu qua scan, email và thanh toán điện tử (thanh toán không dùng tiền mặt). Triển khai dịch vụ lạnh ở ICD Nhơn Trạch nhằm giảm tải cho các lái, làm việc với các hãng tàu để mở code ở ICD Long Bình nhằm kết nối trục tiếp với Cái Mép.

TCSG cũng đã phối hợp với Sở TVT TP. HCM làm đầu mối tiếp nhận các hồ sơ đăng ký, cấp mã QR luồng xanh cho các xe ra vào các cơ sở, đặc biệt là tại cảng cát Lái. Đến nay, đã có hơn 18.000 phương tiện được mã QR. TCSG ứng dụng công nghệ thông tin, ban hành các khuyến nghị hợp tác chung tay đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất của các cơ sở cảng… Đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ khách hàng, gửi các khuyến nghị, công văn đến các sở ban ngành, Cục Hàng hải, Cục Hải quan nhằm phối hợp, triển khai các biện pháp nhằm duy trì hoạt động cho cảng Cát Lái.

Bên cạnh các giải pháp mang tính ngắn hạn, TCSG chủ động thực hiện các giải pháp mang tính căn cơ, dài hơi như hợp tác với các cảng ở TP. HCM, Cái Mép. Tại TCCL triển khai đồng bộ các giải pháp như chuyển các dịch vụ phụ trợ ra ngoài, các giải pháp tăng năng xuất, tiếp nhận tàu, tiếp nhận hàng, số hóa quy trình giao nhận với tầm nhìn 5 -10 năm. Tại TCHP tiến hành nạo vét cầu bến, tăng năng lực, tăng giao nhận trực tiếp…

Hiện tại, dư địa bãi chứa của các cảng trong cụm cảng nhóm 5 hiện nay (ngoài TCCL ở TPHCM và khu vực Cái Mép Thị Vải) thì dư địa cũng chỉ còn khoảng tương đương 35% dung lượng của cảng Tân Cảng – Cát Lái. Vì vậy nguy cơ ùn ứ ở TCCL chính là nguy cơ ùn ứ cả cụm cảng này. Vì vậy chúng ta cần chung tay tháo gỡ chứ không thể theo ý kiến chủ quan của một Hiệp hội tại TPHCM đưa ra “Giải pháp quy hoạch” chỉ làm xấu và phức tạp hơn tình hình và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và lợi ích của cộng đồng Doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tình hình kinh tế của khu vực vốn đã rất khó khăn vì Covid 19.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều nhà máy, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động do yêu cầu phòng chống dịch. Điều này dẫn đến lượng container hàng nhập tồn bãi tại các cơ sở cảng, ICD tăng nhanh gây ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, khai thác và luồng hàng hóa xuất nhập khẩu. Trước tình hình đó, để cảng TCCL nói riêng cũng như các cơ sở dịch vụ khác trong hệ thống của TCSG nói chung duy trì hoạt động sản xuất thông suốt, giữ cho chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu không bị đứt gãy, TCSG đã có Thông báo số 2551/TB-TCg có hiệu lực từ ngày 07/08, về các nhóm giải pháp tiến hành song song cùng chính sách ưu đãi cho khách hàng.

Hiện nay, hàng tồn bãi ở cảng Cát Lát đã quay lại mức bình thường, trong khoảng 80% - 85%

Hiện nay, hàng tồn bãi ở cảng Cát Lát đã quay lại mức bình thường, trong khoảng 80% - 85%

Tại cảng TCCL, đối với container hàng nhập đang tồn bãi tại cảng TCCL, TCSG đang nỗ lực kêu gọi khách hàng nhanh chóng nhận hàng nhập chuyển về nhà máy khi có khả năng. Đối với những container hàng nhập đang tồn của những nhà máy tạm ngừng, đóng cửa, chưa thể vận chuyển về nhà máy TCSG hỗ trợ hoàn toàn miễn phí việc vận chuyển và nâng hạ 2 đầu từ cảng Cái Lái về cảng Hiệp Phước và các ICD Long Bình, Nhơn Trạch và Sóng Thần. Về giá nâng và phụ phí nâng giao container cho khách hàng thì khách hàng sẽ đóng theo biểu giá hiện hành tại cảng Cát Lái và phí lưu bãi cũng áp dụng theo biểu giá tại cảng cơ sở và tại các ICD.

Ngoài ra, bên cạnh chính sách vận chuyển miễn phí cho khách hàng về cảng Hiệp Phước và các ICD Long Bình, Nhơn Trạch và Sóng Thần thì TCSG cũng áp dụng một số chính sách khác tại TCCL như áp dụng miễn phí 100% chuyển đổi mục đích khi cấp container rỗng cho khách hàng; miễn phí chuyển giảm tải từ TCCL về các depot thuộc hệ thống TCSG đối với container rỗng chưa có kết hoạc xuất/đóng hàng; Duy trì tiếp nhận container hàng nhập từ khu vực Cái Mép/Hiệp Phước về cảng TCCL, khi khách hàng cam kết nhận hàng trong vòng 2 ngày đối với hàng từ Cái Mép và 3 ngày đối với hàng từ Hiệp phước (kể từ ngày container được dỡ lên bãi cảng TCCL); Duy trì tiếp nhận container hàng lạnh nhập nguyên container, trừ container lạnh trung chuyển rút hàng, sang container tại bãi; Tiếp nhận hàng nhập quá khổ, siêu trường, siêu trọng,… khi có đề nghị, cam kết từ hãng tàu/ khách hàng ngay sau khi nhập bãi…

Tại cảng TCHP, TCSG sẽ hỗ trợ miễn phí giao nguyên container hàng nhập cho khách hàng có container trên những tàu cập trực tiếp tại TCHP, miễn phí lưu bãi cho khách hàng, miễn phí 24 giờ vận hành container lạnh, đồng thời hỗ trợ thực hiện thủ tục và chi phí sửa manifest/vận đơn đổi cảng đích.

TCSG vẫn duy trì tiếp nhận container hàng nhập từ cảng TCHP về TCCL, khi khách hàng cam kết nhận hàng trong vòng 3 ngày kể từ ngày container được sỡ lên bãi cảng TCCL.

Các chính sách hỗ trợ từ TCSG sẽ đảm bảo hoạt động liên tục chuỗi cung ứng, trong đó ngăn ngừa sự ảnh hưởng dây chuyền: cảng ngưng hoạt động - tàu bỏ cảng - thiếu container rỗng ngày càng trầm trọng - giá cước tăng - tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Tránh tác động đến doanh nghiệp cảng/logistics và các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động, ngăn chặn sự dịch chuyển luồng hàng hóa giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Đồng thời tiết kiệm được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Trương Tấn Lộc cho biết, hiện tại, dư địa bãi chứa của các cảng trong cụm cảng nhóm 5 hiện nay (ngoài TCCL ở TPHCM và khu vực Cái Mép Thị Vải) thì dư địa cũng chỉ còn khoảng tương đương 35% dung lượng của cảng Tân Cảng - Cát Lái. Vì vậy nguy cơ ùn ứ ở TCCL chính là nguy cơ ùn ứ cả cụm cảng này. Lúc này, chúng ta cần chung tay tháo gỡ để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định và lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tình hình kinh tế của khu vực vốn đã rất khó khăn vì COVID-19.

"Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ hết sức khẩn trương đối với Tổng Công ty TCSG cùng các khách hàng, hãng tàu, bằng việc ban hành và cùng nhau đồng hành, chia sẻ, thực thi đồng bộ các giải pháp với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của người lao động. Đồng thời, chúng ta cần giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa", ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty TCSG chia sẻ.

Thụy Hậu