6 giải pháp cấp bách gỡ khó cho doanh nghiệp logistics
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 11:29, 09/08/2021
Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương diễn ra hôm 08/8 vừa qua
Sáng 08/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp đã gây ra những tổn thất, đảo lộn của toàn ngành kinh tế. Trong đó, ngành logistics - “mắc xích” quan trọng của toàn ngành kinh tế đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. COVID-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng của các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước.
Từ thực tế này, Hiệp Hội VLA đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Thứ nhất, VLA đề nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất tại Công văn số 4482/BCT-TTTN của Bộ Công thương về việc ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê Danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả, VLA đề nghị lãnh đạo Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký ban hành nhằm được tuân thủ, áp dụng thống nhất trong cả nước qua đó tránh gây khó khăn cho Doanh nghiệp khi triển khai thực hiện.
Thứ hai, VLA đề nghị các UBND tỉnh, thành phố nơi có các cửa khẩu quốc tế đường biển, đường hàng không phải ưu tiên phân “luồng xanh” cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ kết nối với các chuyến tàu, máy bay đã đặt lịch, hoặc nguyên liệu không đến kịp nhà máy gây đứt gãy sản xuất.
Thứ ba, VLA đề nghị Chính phủ và các địa phương xem xét ưu tiên tiêm phòng vắc xin cho các lao động trực tiếp làm dịch vụ logistics ở các cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, làm các thủ tục xếp dỡ hàng hóa để đảm bảo hoạt động logistics được liên tục trong chuỗi cung ứng hàng hóa nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng đặc biệt tại các cảng quốc tế.
Thứ tư, theo báo cáo về tình trạng ùn tắc, quá tải của cảng Cát Lái do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn điều hành, quản lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, logistics, VLA ủng hộ các biện pháp mà Tân Cảng Sài Gòn đã đưa ra và đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để cho phép giải phóng hàng nghìn container hàng “vô chủ” đang bỏ lại tại cảng Cát Lái và một số cảng chính hiện nay đã quá hạn trên 60 ngày, theo quy định tại Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, Khoản 4, Điều 167.
Đồng thời, thực hiện giải pháp cần thiết để điều tiết các hãng tàu container về khu vực cảng đã được đầu tư xây dựng và phù hợp với quy hoạch vẫn đang còn dư công suất tại khu vực Quận 7, Hiệp Phước, như SGHP, Tân Thuận, Bến Nghé, VICT, SPCT hay Cảng GML, SP-PSA tại Cai Mép-Thị Vải.
Qua sự việc xảy ra với Cảng Cát Lái trong thời gian qua (cũng như đã xảy ra vào đầu năm 2019), VLA nhấn mạnh, cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể là Cục hàng hải cần phát huy vai trò điều tiết giữa các khu vực cảng biển để đảm bảo hàng hóa được lưu thông thuận lợi trong bối cảnh năng lực/công suất của các cảng trong khu vực TP. HCM và lân cận còn chưa khai thác hết.
Đồng thời đề xuất thay đổi quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng thuận lợi hóa thương mại, cho phép các doanh nghiệp khai báo hải quan chung theo tỉnh, thành phố hoặc khu vực lớn hơn và đưa hàng về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của Hải quan như thông lệ của các nước Tây Âu - Bắc Mỹ sẽ làm giảm ùn tắc và quá tải cảng cửa ngõ (vì hiện nay đã áp dụng khai báo điện tử 1 cửa trên phần mềm thống nhất VASSVM).
VLA đề nghị Chính phủ có chính sách khống chế lượng hàng hóa trong thành phố, đưa về các nơi quy hoạch mới. Nạo vét luồng để các cảng khu vực Hiệp Phước phát huy công năng, giảm bớt sức ép cho cảng Cát Lái, đảm bảo hiệu quả khai thác cho các cảng hiện hữu (tối thiểu 75% công suất); duy trì hoạt động chung của chuỗi logistics ổn định trong mọi tình huống.
Hiện nay, các doanh nghiệp ngành logistics đang phải chịu sức ép của nhiều quy định gây khó khăn cho duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất cho nền kinh tế
Thứ năm, về vấn đề giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, VLA đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như thu phí hạ tầng cảng biển ở TP. HCM từ 01/10 và giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP Hải Phòng.
Về giải quyết khó khăn trong việc các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước vận chuyển cao liên tục làm ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập khẩu, VLA đề nghị các Hiệp hội ngành hang, VLA và Hiệp hội Đại lý Môi giới hàng hải Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cùng với VCCI có sự phối hợp, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp thành viên trong việc trao đổi thông tin về tình hình thị trường giá cước, container rỗng và hoạt động nghiệp vụ để cùng là đối tác giải quyết với các Hãng vận chuyển trong việc lưu cước, giá cước, và giảm phụ phí hàng hải.
Đề nghị Bộ Công thương, Bộ Nội vụ nhanh chóng củng cố Hiệp hội Chủ hàng đủ mạnh để đại diện cho các chủ hàng trong việc đấu tranh với các hãng vận chuyển về giá cước, lưu cước tàu…trong cơ chế thị trường hiện nay. Đây là một yêu cầu cấp bách.
Đề nghị các Bộ, ngành quản lý như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính có sự chỉ đạo hiệu quả trong việc thực thi các văn bản pháp luật như Nghị định 146 về khai báo cước phí vận chuyển đường biển của các hãng tàu container nước ngoài và hạn chế việc tăng cước vận chuyển vô kiềm tỏa (thiếu kiểm soát) như hiện nay. Đồng thời, không được tăng và có biện pháp giảm hoặc loại bỏ một số phụ phí trong 12 loại phụ phí đường biển cao như hiện nay. Đây là một vấn đề cấp bách mà các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu của nước ta đang yêu cầu được giải quyết. Đề nghị Bộ Công Thương vào cuộc cho điều tra, xem xét việc chống độc quyền của các Hãng liên minh vận chuyển liên quan theo Luật cạnh tranh của Việt Nam.
Đề nghị Chính phủ có quyết sách phát triển vận chuyển vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam. Cụ thể là phát triển đội tàu container cỡ lớn kinh doanh tuyến xa như châu Mỹ, châu Âu, đáp ứng phần nào yêu cầu chuyên chở hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam, như đề xuất của Hiệp hội VLA.
Thứ sáu, VLA đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong việc chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động kinh doanh, nhất là phát triển Thương mại điện tử xuyên biên giới.
Những giải pháp trên được Hiệp hội VLA đưa ra sẽ phần nào gỡ khó cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logitics hiện nay, vừa đảm bảo công tác chống dịch hiệu quả vừa duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, giữ vững vai trò là mắc xích quan trọng của toàn ngành kinh tế.