Bỏ thu phí cảng biển với phương tiện thủy
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:22, 12/08/2021
Đường thủy đang gặp hạn chế cả về kết cấu hạ tầng lẫn đội ngũ phương tiện
Gỡ rào cản chi phí bất hợp lý
Gần đây, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội kinh doanh vận tải trong lĩnh vực đường thủy, chủ hàng bày tỏ không đồng thuận với quy định của một số địa phương trong việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với phương tiện thủy.
Trong đó, TP. HCM dự kiến áp dụng từ ngày 01/7/2021, sau đó hoãn đến ngày 01/10/2021. TP. Hải Phòng thực hiện thu phí này từ năm 2017 và một vài lần điều chỉnh giảm mức thu.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khu vực phía Bắc vẫn liên tục kiến nghị địa phương miễn, giảm khoản phí trên để không gây ra “phí chồng phí” và khó khăn cho vận tải thủy.
Lý do là phương tiện thủy khi vào cảng biển chỉ sử dụng luồng đường thủy quốc gia do Trung ương đầu tư và nộp phí đường thủy theo quy định, cùng với khoản trả phí cầu, bến cho doanh nghiệp cảng.
Mới đây, các doanh nghiệp rất vui mừng khi trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nội địa (thay thế Quyết định số 47/2015, do Cục Đường thủy nội địa VN chủ trì xây dựng) quy định không thu khoản phí trên đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa.
Ông Đỗ Cường Quốc, Trưởng phòng Kỹ thuật Cảng thủy container Hải Linh cho biết: “Đề xuất trên rất hợp lý, phù hợp với quy định pháp luật và thực tế.
Vận tải thủy hiện đang gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được hàng hóa nên càng cần sớm gỡ bỏ những rào cản về chính sách bất hợp lý, gây gánh nặng chi phí”.
Ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam cho biết, dự thảo Quyết định có sự tham gia rộng rãi ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý, địa phương để thống nhất đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc phát sinh và bổ sung cơ chế, chính sách mới.
“Dự thảo quy định Bộ Tài chính thực hiện sửa đổi, bổ sung Thông tư hướng dẫn về danh mục nguyên tắc thu, miễn giảm phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh, theo hướng không thu phí hạ tầng cảng biển với hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy. UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp để miễn loại phí trên”, ông Đạo nói.
Liên quan đến chính sách phí, dự thảo cũng đề xuất phương tiện thủy khi vào, rời khu vực hàng hải được áp dụng mức phí, lệ phí theo quy định về mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy để giảm chi phí vận tải.
Ưu tiên vốn, giảm tiền thuê đất
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, dự thảo Quyết định lần này kế thừa, bổ sung một số cơ chế, chính sách ưu tiên được triển khai trong 5 năm qua theo Quyết định số 47/2015 của Thủ tướng.
Trong đó, giai đoạn 2022 - 2026 ưu tiên bố trí mỗi năm tăng 1,3 lần vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì đường thủy so với năm trước; tổ chức đấu thầu bảo trì đường thủy 3 năm/lần để tăng nguồn lực duy trì thông suốt hệ thống luồng tuyến vận tải, miễn lệ phí trước bạ cho phương tiện thủy...
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất cơ chế, chính sách mới như: Ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay quốc tế có ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy kết nối đường thủy với các cảng biển chính.
Ưu tiên bố trí đất xây dựng cảng thủy container ở phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng cơ sở đóng tàu. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu tiên, giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có dự án đầu tư, phát triển cảng thủy nội địa.
Để khuyến khích đầu tư phương tiện, dự thảo đề xuất hỗ trợ lãi suất vay vốn tại tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư đóng mới phương tiện thủy nội địa có trọng tải từ 1.500 tấn trở lên, tàu chở container. Miễn thuế nhập khẩu thiết bị xếp dỡ hàng hóa container, thiết bị xếp dỡ chuyên dùng mà trong nước chưa sản xuất được...
Nên có gói tín dụng ưu đãi đóng mới phương tiện
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN cho rằng, ưu đãi đầu tư phát triển đội ngũ phương tiện thủy hiện đại là cần thiết, song cần cụ thể hơn.
“Hiện, có đến 98% phương tiện thủy vận tải hàng hóa dùng động cơ cũ của nước ngoài nên hiệu quả khai thác không cao, vận hành dựa vào thủ công. Nhà nước nên có gói tín dụng vay ưu đãi dành riêng cho đầu tư đóng mới phương tiện với thời hạn từ trên 5 năm để khuyến khích đầu tư đổi mới phương tiện thủy vận tải”, ông Liêm đề xuất.
Cũng theo ông Liêm, hạn chế rất lớn hiện nay của hệ thống cảng thủy là đường bộ kết nối với cảng có trọng tải thấp, không thuận lợi để trung chuyển hàng hóa bằng xe ô tô. Điều này xuất phát từ việc cảng, bến do doanh nghiệp đầu tư, còn đường thì Nhà nước đầu tư nhưng ít được quan tâm.
“Do đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cảng thủy gắn với cảng cạn ICD và ưu tiên nguồn vốn, hình thức đầu tư cụ thể để tạo kết nối thuận lợi giữa cảng bến thủy với đường bộ”, ông Liêm nói thêm.