Tránh để đứt gãy nguồn cung ứng

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:17, 12/08/2021

(VLR) Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam đến nay, cộng đồng doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, riêng về mặt kinh tế, tác động nguy hiểm khác với những lần bùng phát dịch trước là ứng xử của các địa phương với dịch lần này đã gây ra đổ vỡ chuỗi cung ứng.

Đại dịch COVID-19 khiến cho các các chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thiếu hụt đầu vào sản xuất, các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội

Đại dịch COVID-19 khiến cho các các chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thiếu hụt đầu vào sản xuất, các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội

Thực tế, đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 18 tháng qua khiến kinh tế thế giới phục hồi không bền vững, không đồng đều giữa các nhóm nước. Các chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thiếu hụt đầu vào sản xuất, các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và khó khăn trong vận hành các tuyến vận tải biển, chiếm tới 90% lưu lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã và đang áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để phục hồi tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, triển khai các gói thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, kết hợp với tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và an sinh - xã hội. Thứ hai, các biện pháp trước mắt và dài hạn nhằm tái cơ cấu sản xuất, tái định hình các chuỗi cung ứng như đa dạng hóa nguồn cung đầu vào, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm hợp lý hóa các công đoạn sản xuất; đồng thời, đa dạng hóa mạng lưới đối tác, tận dụng các hiệp định thương mại tự do. Thứ ba, sự chủ động thích ứng của các doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Ngân hàng Thế giới cho rằng, bên cạnh các tác động tiêu cực, đại dịch COVID-19 thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cấp các mô hình kinh doanh, chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, khó càng thêm khó, đặc biệt, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn bởi có chuỗi cung ứng và chuỗi liên kết liên quan tới rất nhiều ngành.

Bà Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho biết, ở thời điểm này, quan trọng nhất vẫn là triển khai vaccine. Vaccine giúp bảo vệ tính mạng của người lao động, giúp doanh nghiệp giữ được người và duy trì hoạt động. Sau đó là về vấn đề chi phí logistics. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, cần phải làm sao để kiểm soát chi phí vận chuyển ở mức hợp lý là yêu cầu lâu dài của doanh nghiệp. Chi phí này ảnh hưởng rất lớn tới giá cả các mặt hàng của Việt Nam, ảnh hưởng tới mức giá mà chúng tôi quay về mua nguyên liệu cho nông dân. Bây giờ cần giải pháp tức thời và lâu dài để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề logistics. Về vấn đề tài chính, tới nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được nhiều với các giải pháp hỗ trợ của chính phủ. Ngân hàng thậm chí sợ doanh nghiệp “chết” vì dịch bệnh dẫn tới nợ khó đòi, nên cũng ngại cho vay. Chúng tôi đề nghị chính phủ có các giải pháp hỗ trợ tài chính hơn nữa, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp. Khó khăn cũng chính là cơ hội cho tất cả, bởi vì ở giai đoạn trước, khi chúng ta kiểm soát dịch bệnh ổn định, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tăng trưởng 40-60%.

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư này có đặc điểm rất khác. Riêng về mặt kinh tế, tác động nguy hiểm khác với lần dịch trước là ứng xử của các địa phương với dịch lần này gây ra đổ vỡ chuỗi cung ứng. Hiện đã có biện pháp “3 tại chỗ” nhưng nó rất tốn thời gian, chi phí và điều kiện áp dụng không dễ dàng. Thậm chí, doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ” lại chính là nơi phát hiện nhiều F0, nguy cơ lây nhiễm cao. Mặt khác, các doanh nghiệp bắt đầu lên tiếng vì từ khi áp dụng giãn cách gần một tháng rồi, khả năng chịu đựng của doanh nghiệp đến giới hạn.

Thời điểm hiện nay khu vực phía Nam, Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 chưa dự báo thời điểm nào chính xác kết thúc. Các doanh nghiệp cũng căng thẳng. Ví như con người nín thở thì có giới hạn, liệu có thể chịu thêm một hay hai tuần nữa ko, ngay lúc này phải ra một sách lược. Do đó, nhu cầu trao đổi hàng hóa trực tuyến rất cao, kéo theo hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hai bánh tăng mạnh. Như vậy, nếu doanh nghiệp vận tải được giải quyết, tháo gỡ khó khăn đồng nghĩa tháo gỡ phần lớn cho doanh nghiệp sản xuất ở đầu ra.

Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Nguyễn Duy Minh đề xuất, cần thực hiện ngay bốn giải pháp chính. Thứ nhất, đề nghị Chính phủ chấp thuận việc ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông thay vì ban hành hành hóa được phép ưu tiên như hiện nay. Thứ hai, các đơn vị tại các chốt kiểm kịch chỉ nghe chỉ đạo, văn bản của cấp trên trực tiếp. Trong khi đó, mỗi địa phương lại có một hướng dẫn khác nhau. Vì vậy, Chính phủ nên phối hợp với công ty công nghệ hoặc chỉ đạo Bộ Thông tin Truyền thông ứng dụng công nghệ để việc khai báo y tế nhanh hơn. Nếu chưa ứng dụng được thì phải có một văn bản nhất quán. Thứ ba, nên tạo luồng ưu tiên đối với vận tải hàng hóa quốc tế do nhiều địa phương nơi có cửa khẩu, cửa ngõ quốc tế rất tích cực chống dịch nhưng điều này lại gây cản trở dòng cung ứng trong nước và quốc tế. Thứ tư, theo quy định, các lái xe phải có giấy xét nghiệm COVID-19 và cứ ba ngày phải đi test một lần. Để giải quyết vấn đề này chúng tôi rất mong muốn được Chính phủ cho phép mua các bộ test COVID-19 nhanh.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, với kinh nghiệm thực tế triển khai “3 tại chỗ” vừa qua thấy, rõ ràng không mang lại hiệu quả nhiều. Nề kinh tế yêu cầu phải nhiều doanh nghiệp được tạo thuận lợi duy trì sản lượng và duy trì lực lượng lao động thì chuỗi cung ứng mới quay trở lại được. Do đó, cần có một cơ chế để cho phép các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại nhưng có điều kiện ràng buộc. Không thể nói hạn chế tiếp xúc 100% nhưng các doanh nghiệp phải bảo đảm công tác chống dịch và duy trì sản xuất luôn song hành. Chính phủ cũng nên có cái nhìn dài hơi. Trong đó, phải có phương án nếu có dịch bệnh xuất hiện tại cơ sở sản xuất thì cũng chỉ cách ly F0, F1 liên quan và để các khu vực khác duy trì sản xuất.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta xác định sống chung với lũ, thì khâu đào tạo để doanh nghiệp có hệ thống y tế tại chỗ là rất cần thiết. Khi chúng ta xác định sống chung với dịch thì chắc chắn phải chấp nhận những điều chỉnh bất ngờ luôn có thể xảy, do đó nếu được đào tạo thì doanh nghiệp sẽ không bị động nữa, do đó, đây là việc cần làm trong thời gian tới.

Thực tế, quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng, việc ưu tiên tiêm vaccine phải được hướng tới vùng dịch, vùng có nguy cơ cao bị nhiễm dịch, tức phải di bất biến, ứng vạn biến. Thí dụ như Hà Nội dù chưa có dịch nhiều nhưng nếu người dân không được tiêm vaccine sớm thì rất dễ bị động như TP Hồ Chí Minh. Người dân chung cũng vậy nhưng các doanh nghiệp cũng vậy, phải ưu tiên vaccine cho đối tượng có nguy cơ cao làm sao để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.