Tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:14, 12/08/2021
Điều tiết hàng hóa xuất khẩu phù hợp với năng lực cửa khẩu để tránh ùn tắc
Chiều ngày 11/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và Quảng Ninh có cửa khẩu biên giới xuất khẩu nông sản bàn về tình hình lưu thông xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản cả nước tăng 26,7%, đạt 28,6 tỷ USD, suất siêu khoảng 3,9 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc hiện xếp thứ 2 về xuất khẩu nông sản của Việt Nam với mức tăng trưởng khoảng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phản ánh từ các địa phương có cửa khẩu như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai và Cao Bằng cho thấy, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, thông quan hàng hóa trên địa bàn những tháng đầu năm tăng đột biến, trong đó chủ yếu là hàng nông sản. Tuy nhiên, gần đây, việc xuất khẩu một số loại nông sản, trái cây truyền thống sang thị trường Trung Quốc lại đang gặp khó khăn do phía Trung Quốc tạm ngừng hoạt động một số khu vực tiếp nhận phương tiện chở hàng để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
Theo ông Lương Trọng Quỳnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện phía Trung Quốc kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam nên thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với các loại trái cây của nước khác. Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, nhiều hoa quả có nhu cầu xuất khẩu và cũng là thế mạnh của Việt Nam nói chung và của tỉnh Lạng Sơn nói riêng như chanh leo, sầu riêng, na... chưa thuộc danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu vừa đảm bảo sản xuất cũng như phòng chống dịch, các tỉnh biên giới đã triển khai quyết liệt, thành lập các chốt phòng chống dịch để đảm bảo an toàn. Đồng thời quản lý chặt chẽ đội ngũ lái xe chở hàng nông sản xuất khẩu, nhân viên bốc xếp và giao nhận, cũng như đóng cửa một số khu vực kinh doanh hàng hóa không thiết yếu và tiêm vắc-xin cho lực lượng khu vực cửa khẩu...
Trước các yêu cầu từ phía Trung Quốc, đa phần các thương nhân, doanh nghiệp vẫn chưa cập nhật thông tin kịp thời về điều kiện xuất khẩu như: kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc… nên hàng hóa thông quan gặp nhiều khó khăn. Do đó, các địa phương đề nghị các bộ, ngành chức năng cần phổ biến, hướng dẫn để nhân dân, doanh nghiệp trong sản xuất chủ động đảm bảo các yêu cầu của phía bạn để hàng hóa đưa đến các địa phương biên giới mới thông quan nhanh chóng hơn.
Ông Đỗ Văn Duy- Giám đốc Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai- kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần điều phối các vùng sản xuất trọng điểm để các địa phương biên giới có thể điều tiết lượng hàng hóa hợp lý. Nhiều sản phẩm khi vào vụ thu hoạch nếu không điều tiết sẽ dẫn đến ùn ứ. Các tỉnh cung cấp thông tin về chủng loại, số lượng, thời điểm thu hoạch các loại nông sản về các đầu mối tiêu thụ là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản để kết nối với các địa phương có cửa khẩu. Qua đây có thể điều tiết nông sản xuất khẩu không chỉ qua cửa khẩu của Lào Cai mà còn qua các cửa khẩu khác.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần thường xuyên cập nhật và thông báo với các thương nhân quy định của Trung Quốc về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm dịch, kiểm nghiệm, và quan trọng nhất là xây dựng được nhãn hiệu xuất xứ hàng hóa để nông thủy sản xuất khẩu được lâu dài và ổn định.
Ông Trần Quốc Toản- Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về cách phân loại đóng gói bảo quản phù hợp với yêu cầu của phía bạn ngay tại nơi sản xuất, để quá trình giao nhận được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo đúng hướng dẫn, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, đảm bảo thuận lợi trong quá trình xuất khẩu.
Đồng thời phối hợp với các địa phương trọng điểm, theo dõi sát vùng trồng, kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan điều tiết lượng hàng hóa nông sản trái cây lên các cửa khẩu biên giới phù hợp với điều kiện, năng lực thông quan tại các cửa khẩu (theo từng thời điểm).
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- khẳng định, tiềm năng giao thương nông sản giữa Việt Nam – Trung Quốc là rất lớn, đồng thời đề nghị Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam-ông Hồ Tỏa Cẩm đề xuất các cơ quan liên quan phía Trung Quốc phối hợp với các địa phương cửa khẩu, các Bộ, ngành của Việt Nam tập trung tháo gỡ những khó khăn tạo điều kiện thuận lợi thông quan hàng hóa trong điều kiện dịch COVID-19.
Ông Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, ngoài hướng dẫn sản xuất bằng văn bản, cần hướng dẫn thêm bằng trực tuyến, trực tiếp tại cơ sở để người dân, địa phương sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu trong xuất khẩu. Các địa phương cũng thông tin về tình hình sản xuất, khả năng xuất khẩu để tính toán sản lượng đưa lên các cửa khẩu, có sự điều tiết từ xa nhằm tránh ùn ứ, tăng chi phí, giảm chất lượng sản phẩm.
Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, sau khi đàm phán và ký Nghị định thư cho 9 loại nông sản thì quá trình đàm phán tiếp theo cho 8 loại nông sản nữa của Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ về mã số vùng trồng, hồ sơ truy xuất nguồn gốc xuất đầy đủ và đã gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhưng do ảnh hưởng của dịch nên việc này đang gặp khó khăn. Đây là một trong những giải pháp hết sức quan trọng để gia tăng số lượng và doanh số xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.
“Trong bối cảnh COVID-19, có rất nhiều quy định mới từ các cơ quan của Trung Quốc, các tỉnh có những quan hệ rất tốt và rất mật thiết với các địa phương Trung Quốc kết nối chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT phổ biến những quy định mới này cho các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nông dân bắt nhịp được. Để khi đưa hàng lên biên giới đáp ứng được những tiêu chí, quy định mới của Trung Quốc về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật và kiểm dịch động vật để hàng hóa liên tục thông quan”, ông Phùng Đức Tiến nói.