Doanh nghiệp xứ Nghệ gặp khó vì chi phí logistics

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:55, 20/08/2021

(VLR) Nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An vừa lo chống dịch COVID-19 vừa phải nỗ lực để đảm bảo sản xuất an toàn, duy trì được chuỗi sản xuất. Trong khi đó, chi phí logistics lại tăng cao gây khó khăn chồng chất cho các doanh nghiệp…

Doanh nghiệp xứ Nghệ gặp khó vì chi phí logistics tăng cao

Doanh nghiệp xứ Nghệ gặp khó vì chi phí logistics tăng cao

Rào cản lớn

Lâu nay, chi phí logistics luôn là rào cản lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu ở Nghệ An. Ông Đặng Văn Nga, đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu khoáng sản ở Nghệ An cho biết: “Ở cảng Cửa Lò và kể cả cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), do hàng hóa ít nên tàu container lớn họ ngại cập cảng nhận hàng vì không đủ chi phí. Do vậy, doanh nghiệp địa phương muốn xuất khẩu hàng hóa buộc phải vận chuyển bằng đường bộ ra Hải Phòng mới có tàu chuyển container ra tàu lớn. Nếu một chuyến hàng của công ty qua cảng Cửa Lò ra Hải Phòng mất 3 ngày và chi phí bốc dỡ 2 lần, còn nếu vận chuyển bằng đường bộ ra cảng Hải Phòng chỉ mất chưa tới một ngày, đỡ mất thời gian và mất thêm chi phí. Thêm nữa, lượng container rỗng ở cảng Cửa Lò không đủ để cung cấp cho các doanh nghiệp, lượng hàng xuất khẩu ở Nghệ An không đủ cho một chuyến tàu mẹ khi ra cảng Hải Phòng…”.

Các cơ quan quản lý Nhà nước Nghệ An cần hoàn thiện cơ chế phát triển logistics, hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm cả hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics...

Ông Đặng Văn Nga đại diện một doanh nghiệp ở Nghệ An kiến nghị

Cũng theo ông Nga, do chi phí logistics leo thang (cước vận tải tăng gấp 4 - 5 lần) kết hợp với giá dầu tăng cao nên từ đầu năm đến nay, chi phí cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp đội lên 20%.

Là đơn vị chuyên nhập khẩu than ở cảng Nghi Sơn, Công ty TNHH Trường An có trụ sở ở huyện Đô Lương (Nghệ An) cũng chịu thiệt hơn, thiệt kép vì chi phí logistics tăng cao. Ông Trần Đức Danh, Giám đốc Công ty cho biết: “Giá cước tàu vận tải tăng cao nên cứ mỗi tấn than cập bến, công ty tôi phải chi trả thêm từ khoảng 200.000 đồng. Tính ra cứ một tháng, công ty phải chi thêm 4 tỷ đồng cho chi phí vận chuyển từ nhập khẩu than. Đây là một khoản chi khổng lồ đối với công ty chúng tôi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19”.

Dịch bệnh COVID-19 khiến dịch vụ logistics cũng trở thành bài toán nan giải với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ. Từ đầu năm đến nay, Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt, trong đó tất cả các đơn vị vận tải hàng hóa qua lại hai bên biên giới buộc phải chuyển tải. Ngay cả lái xe cũng phải bố trí 2 người ở 2 bên biên giới, điều này khiến cho chi phí một chuyến hàng bị đội lên rất nhiều.

Anh Nguyễn Văn Nam, nhân viên của một đơn vị vận tải chuyên đi làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu Nậm Cắn cho biết: “Trước đây khi chưa có dịch, mỗi chuyến xe chở hàng đều chạy thẳng từ điểm đầu đến điểm cuối nên chỉ cần thuê một lái xe. Nay thì bắt buộc phải thuê 2 lái, một người ở bên phía Việt Nam và một người túc trực bên Lào. Lái xe bên phía Lào do khó về Việt Nam nên cũng tăng lên gấp đôi, nếu như trước đây lương cho một lái xe khoảng 10 triệu đồng, thì nay tăng lên 20 triệu đồng, vậy mà cũng rất khó tuyển lái xe”.

Chưa kể, cứ đến cửa khẩu là lại phải bốc hàng xuống, sau đó chuyển tải lên xe khác, riêng tiền công bốc lên bốc xuống đã phải mất từ 4 - 5 triệu đồng/chuyến hàng, tùy loại hàng và khối lượng bốc dỡ. Điều này đã khiến cho chi phí vận chuyển một chuyến hàng trong mùa dịch bị đội lên khoảng 30% so với ngày thường, chưa kể công lái xe.

Cần cải thiện chính sách và hạ tầng

Để gỡ khó cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics Nghệ An, có hai vấn đề cần quan tâm để phát triển đó là chính sách và hạ tầng. Theo một lãnh đạo cảng Nghệ Tĩnh, thời gian qua, tàu cá của ngư dân thường xuyên chiếm dụng cầu cảng Cửa Lò làm nơi neo đậu, gây cản trở đến việc khai thác cầu bến, an toàn hàng hải và an ninh trật tự trên bến cảng. Vùng nước trước bến thường xuyên bị bồi lắng gây tốn kém chi phí duy tu bảo dưỡng hàng năm. Luồng tàu ra vào cảng Cửa Lò sau thời gian nâng cấp xuống -7,2m nhưng hiện nay đã bị bồi lắng chỉ còn -5,7m hạn chế các tàu có trọng tải từ 10.000DWT đến 25.000DWT giảm tải ra vào.

“Các cơ quan quản lý Nhà nước Nghệ An cần hoàn thiện cơ chế phát triển logistics, hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm cả hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics... Đồng thời, cần tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không… tạo thuận lợi hơn nữa cho dịch vụ logistics phát triển, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế địa phương”, ông Đặng Văn Nga kiến nghị.

Nói về cơ hội và thách thức trong việc đầu tư, phát triển của ngành logistics Nghệ An hiện nay, ông Nguyễn Khắc Trường Giám đốc Công ty Toàn Cầu chi nhánh nghệ An cho biết, gần 10 năm kinh doanh dịch vụ logistics, công ty vẫn chưa thể thực hiện được các đơn hàng quốc tế qua cảng Cửa Lò. Kế hoạch mở rộng kho bãi, đầu tư hệ thống vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, doanh nghiệp không phát triển được dịch vụ theo chuỗi cung ứng để đáp ứng theo yêu cầu doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Cảng hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu tập kết các mặt hàng. Công ty hiện đang đầu tư thêm 36.000m2 nhưng cũng chưa giải phóng được mặt bằng. Nên tất cả hàng hóa thông qua cảng, tàu ra vào một tuần 3 tàu, tàu từ 400 - 600 TEUs đang bức xúc vì bến bãi, không có để tập kết hàng hóa.

Duy Ngợi