Phát triển nguồn nhân lực logistics thích ứng với biến động và rủi ro
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 18:15, 25/08/2021
Hội thảo Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam hướng đến sự thích ứng trước những biến động và rủi ro được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Hôi thảo đã thảo luận, trao đổi các đề xuất, sáng kiến, cách thức tư duy mới để góp phần thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực của ngành dịch vụ logistics nhằm thích ứng với những thử thách của môi trường hoạt động trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 hiện nay còn đang diễn biến phức tạp.
Đại dịch COVID-19 đã mang đến những thách thức và những tác động tiêu cực không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam mà còn làm thay đổi môi trường kinh doanh trên toàn cầu, nhất là đối với ngành dịch vụ logistics. Trước tình thế đó, sự xuất hiện của nhiều xu thế mới làm thay đổi tư duy, quan điểm về cách thức kinh doanh truyền thống, đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho công tác hoạch định và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp…
Ông Brendon Brooker, Bí thư thứ 2 Đại sứ Úc tại Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Brendon Brooker, Bí thư thứ 2 Đại sứ Úc tại Việt Nam chia sẻ, đại dịch COVID-19 đã gây ra vô số sự gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liêu cho sản xuất, các vấn đề giao nhận hàng đến khách hàng cuối cùng,... đồng thời tạo sức ép căng thẳng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng với nhiều xu hướng mới nổi như phát triển bền vững, tự động hóa trong sản xuất, trí tuệ nhân tạo hay các hiệp định thương mại tự do...
"Trong 18 tháng kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, chúng ta đã học được rất nhiều trong việc nhanh chóng phản ứng, thức ứng khi đối mặt với những sự thay đổi, thách thức và cơ hội ở quy mô lớn như hiện nay. Các doanh nghiệp có khả năng thích ứng một phần là do họ sở hữu lực lượng lao động chất lượng cao", ông Brendon Brooker nhấn mạnh.
Lĩnh vực logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi logistics thế giới
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Cùng với thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực doanh nghiệp, công nghệ thì nhân lực là một khía cạnh nền tảng, mang tính chất căn cơ trong việc phát triển dịch vụ logistics bền vững”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, yêu cầu về chất lượng, trình độ chuyên môn và kỹ năng của nguồn nhân lực logistics ngày càng cần phải được nâng cao, đáp ứng với yêu cầu của thời đại, đặc biệt là nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, các kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, marketing, đàm phán, triển khai... Đây sẽ là yếu tố then chốt, quan trọng và cấp thiết, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Về lâu dài, nhân lực sẽ là yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế.
Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã khẳng định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo Chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Để đạt được các mục tiêu này, Quyết định đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và những giải pháp tổng thể trong đó có nhóm nhiệm vụ “Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực” với 7 giải pháp cụ thể. Nguồn nhân lực sẽ là một trong những yếu tố quyết định để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước và quốc tế.
“Chính vì vậy, VLA đã đề ra một nhiệm vụ quan trọng hiện nay là đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hợp tác quốc tế”, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội VLA chia sẻ.
Về phía doanh nghiệp, bà Tăng Thị Phương Anh, Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Gemadept cho biết, trong gia đoạn 2021 - 2022, Gemadept sẽ triển khai hai dự án lớn là Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 (Hải Phòng) và Gemalink giai đoạn 2 (khu vực Cái Mép). Ngoài ra, Công ty cũng đang nghiên cứu đầu tư thêm dự án khác, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái tích hợp cảng và logistics. Ở mỗi dự án, Gemadept sẽ cần rất nhiều nhân lực. trong đó, giai đoạn 2022 - 2023, chúng tôi cần bổ sung ít nhất 1.000 nhân sự cho các mảng kinh doanh cốt lõi.
Gemadept tuyển dụng trên nguyên tắc giữ gìn và phát huy các điểm mạnh của nguồn nhân lực hiện hữu, kết hợp với các yêu cầu mới phù hợp với chiến lược phát triển và xu hướng chung cũng như xu hướng ngành. Các ứng viên cần đáp ứng những yêu cầu chung phù hợp với văn hóa doanh nghiệp như năng động, linh hoạt, cầu thị, hợp tác, làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy công nghệ. Đặc biệt với nhóm hiện trường cần sức khỏe thật tốt, kỷ luật cao, đồng thời ưu tiên nhân sự vận hành được nhiều loại thiết bị, bà Phương Anh chia sẻ thêm.
Để đáp ứng được nhu cầu nhân lực, cả về quy mô cũng như chất lượng, phục vụ tốt cho ngành logistics trong giai đoạn tới, PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện Trưởng Viện VLI đã đề ra những những giải pháp căn cơ trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực logistic Việt Nam, hướng đến thích ứng trước những biến động rủi ro: Phát triển kĩ năng cần thiết cho nhân lực logistic; Hoàn thiện bộ kỹ năng nghề với sự tham gia góp ý xây dựng từ phía nhà trường và cả doanh nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực logistic đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp cần liên kết các nguồn lực, phối hợp chặc chẽ với nhau thì mới có được đội ngũ nhân lực ngành logistics đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.