Việt Nam – Indonesia: Nhiều cơ hội trong lĩnh vực đầu tư và xuất khẩu
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:35, 08/09/2021
Việt Nam và Indonesia đều đang phải căng mình chống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng quan hệ kinh tế hai nước vẫn có nhiều điểm sáng
Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, nhập khẩu giảm
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm nay, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Indonesia là máy vi tính, điện tử & linh kiện và sắt thép các loại đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, theo đó nhóm hàng máy vi tính, điện tử & linh kiện đạt giá trị kim ngạch 266,9 triệu USD, tăng 139,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 13,5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trong kỳ.
Đối với nhóm hàng sắt thép, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 285,1 triệu USD, tăng 99,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt giá trị 31,10 triệu USD, tăng 91,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu tại Indonesia dần tăng trở lại và giá cả quốc tế tăng cao, đặc biệt đối với nhóm hàng sắt thép là hai nguyên nhân cơ bản giúp giá trị xuất khẩu những mặt hàng này tăng trưởng mạnh trong kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt 2,21 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, Indonesia là một thị trường lớn đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh 2 mặt hàng chủ lực nêu trên, nước này đang nhập khẩu các sản phẩm như: chất dẻo, máy móc thiết bị phụ tùng, sắt thép các loại,... Mặt khác, theo thương vụ Việt Nam tại Indonesia, các doanh nghiệp nước này gần đây có nhu cầu nhập khẩu sữa từ Việt Nam. Đây là một thị trường lớn, trị giá 2,2 tỷ USD. 70% nguyên liệu sữa của nước này phải nhập khẩu với kim ngạch rơi vào khoảng 1 - 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay, Indonesia mới chỉ nhập khẩu chủ yếu từ các nước như New Zealand, Australia, Mỹ, Pháp, Bỉ,... Đây là cơ hội rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong số 38 nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia có số liệu thống kê chi tiết, có tới 23/38 nhóm hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu trong tháng 7/2021 giảm so với tháng 6/2021.
Nhóm hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu nhiều nhất đó là hàng điện gia dụng, giảm 54,4% (đạt giá trị 2,27 triệu USD) tiếp theo là bông các loại, giảm 48,8% (đạt giá trị 0,86 triệu USD), khí đốt hóa lỏng giảm 45,9% với giá trị nhập khẩu ở mức 3,87 triệu USD. Các nhóm hàng nhập khẩu có giá trị lớn có kim ngạch giảm gồm: sắt thép giảm 15%, đạt 40,6 triệu USD; giấy các loại giảm 28,3% với giá trị kim ngạch nhập khẩu là 19,33%. Nhóm hàng than và dầu mỡ thực vật tiếp tục là hai nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Indonesia với gía trị nhập khẩu tương ứng là: 151,83 triệu USD (tăng 14,8%) và 61,4 triệu USD (tăng tới 56%). Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu từ Indonesia đạt 4,31 tỷ USD, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cả tăng cao ở một số nhóm hàng đặc biệt là than, dầu mỡ thực vật, sắt thép… góp phần làm gia tăng giá trị kim ngạch nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2021. Chỉ trong tháng 8 vừa qua, giá than của nước này đã tăng 13,5% so với tháng 7.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách xã hội ở cả Indonesia và Việt Nam trong tháng 7/2021 đã có tác động nhất định tới kim nghạch nhập khẩu của nhiều nhóm hàng, khi ghi nhận 23/38 nhóm hàng sụt giảm về kim ngạch trong tháng 7/2021.
Điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ tài chính
Với sự ra mắt của dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ số - Pay later và chính thức thành lập pháp nhân kinh doanh tại Việt Nam là Công ty Cổ phần Kredivo Viet Nam trong tháng 8/2021, đánh dấu sự hiện diện tại thị trường nước ngoài đầu tiên của công ty về công nghệ thanh toán Indonesia là Kredivo.
Theo Tổng giám đốc Kredivo - ông Valery Crottaz, việc thành lập Công ty Kredivo Việt Nam (liên kết với một doanh nghiệp đối tác Việt Nam) là một thành tựu và là một cột mốc đáng tự hào của công ty trong năm 2021. Đối với Kredivo, Việt Nam có tình hình chính trị ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi và đang không ngừng được hoàn thiện, tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh, có mô hình tiêu dùng và nhân khẩu học tương tự như Indonesia. Các sản phẩm dịch vụ chính tại Việt Nam của Kredivo sẽ được triển khai theo từng giai đoạn với sản phẩm trọng tâm trước mắt là dịch vụ thanh toán các hàng hóa, dịch vụ và vay cá nhân, tiếp đó sẽ mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử.
Tổng giá trị giao dịch hàng hóa, dịch vụ giao dịch qua nền tảng tín dụng số của Kredivo Indonesia trong năm 2020 đạt khoảng 574 triệu USD và được dự báo sẽ tăng lên mức 2,1 tỷ USD vào năm 2022.