Đưa Vũng Áng trở thành trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 11/09/2021

(VLR) Với những lợi thế sẵn có, tỉnh Hà Tĩnh đang ấp ủ giấc mơ hình thành trung tâm logistics tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, Hà Tĩnh đang từng bước cụ thể hóa đề án “Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030”, tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn về logistics, tạo đầu tàu dẫn dắt thị trường dịch vụ logistics.

Đưa Vũng Áng trở thành trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế

Đưa Vũng Áng trở thành trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế

Tập trung xây dựng hạ tầng

Để phát huy lợi thế, đáp ứng nhu cầu phát triển, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh.

Trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng được quy hoạch là trung tâm logistics hạng I, phục vụ các hoạt động dịch vụ logistics trong tỉnh, khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần từng bước đưa kinh tế Hà Tĩnh hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế. Đây sẽ là điểm tập kết hàng từ các KKT, khu - cụm công nghiệp thuộc Hà Tĩnh và khu vực Bắc Quảng Bình để vận chuyển đến cảng Hải Phòng bằng đường biển; vận chuyển trực tiếp bằng đường biển đến các cảng trung chuyển lớn trong khu vực như: Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore; vận chuyển bằng đường bộ (QL 8 và QL 12C) đến Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.

Theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng Vũng Áng - Sơn Dương thuộc Khu Kinh tế Vũng Áng là cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực - cảng loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Cảng Vũng Áng giai đoạn hoàn thiện sẽ có 17 bến (11 bến cảng tổng hợp, container; 6 bến chuyên dùng cho nhập than và xuất nhập xăng dầu); cảng Sơn Dương giai đoạn hoàn thiện sẽ có 51 bến chuyên dùng (32 bến của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, 13 bến cho khu lọc hóa dầu Formosa, 6 bến tàu cho Nhiệt điện Vũng Áng).

Đây cũng là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, quản lý, kinh doanh, khai thác trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng cũng như thúc đẩy hoạt động và phát triển cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương, góp phần phát triển ngành dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh, hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh Hà Tĩnh phát triển.

Ông Lê Trung Phước, Trưởng ban Khu kinh tế Vũng Áng cho biết: “Tỉnh vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết trung tâm logistics Vũng Áng 130ha, và đang trình phê duyệt logistics Sơn Dương khoảng 25ha. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện đề án phát triển KKT Vũng Áng trở thành trung tâm kinh tế động lực, phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh”.

Theo ông Phước, KKT Vũng Áng có lợi thế cạnh tranh so với các KKT khác nhờ có cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 50.000 - 300.000 DWT, trong tương lai sẽ thiết kế cho tàu 500.000 DWT. Đây là một lợi thế đặc biệt đối với các nhà đầu tư lớn đầu tư vào KKT.

Trong chuyến làm việc với tỉnh Hà Tĩnh hồi tháng 11/2020, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, khu vực biển Vũng Áng - Sơn Dương của Hà Tĩnh có độ sâu rất lý tưởng để xây dựng, phát triển cảng biển. Việc đầu tư xây dựng, phát triển cảng biển cùng với khu hậu cần logistics sẽ là tiền đề để kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp hậu thép, công nghiệp phụ trợ tại KKT Vũng Áng. Hay nói cách khác, muốn phát triển KKT Vũng Áng thì phải đầu tư hệ thống cảng biển, logistics đồng bộ.

Đến nay, Hà Tĩnh đã, đang và sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng cảng biển: Cảng Lào - Việt, Hoành Sơn, Vingroup…; hạ tầng giao thông, kho bãi... Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn trung hạn đầu tư xây dựng đê chắn sóng cảng Vũng Áng theo quy hoạch gồm đê phía Bắc dài 370m, đê phía Tây dài 1.850m, đại diện ban quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh khẳng định.

Để đón hàng hóa từ cảng biển Vũng Áng, Cửa Lò sang Lào và Thái Lan, Hà Tĩnh cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng 1 cảng cạn ICD tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ xây dựng cảng cạn với quy mô 5 - 10 ha, năng lực thông qua 13.500 - 27.000 TEUs/năm.

Vươn mình ra biển lớn

Theo Cảng vụ Hà Tĩnh, một trong những yếu tố góp phần vào phát triển logistics đó là mở được những tuyến container ở khu vực cảng Vũng Áng. Nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng cũng như cầu cảng để tiếp nhận tàu container cỡ lớn, từ năm 2016, Cảng vụ Hà Tĩnh phối hợp với doanh nghiệp chủ động đề xuất với Cục Hàng hải Việt Nam cho phép bổ sung công năng để các bến cảng khu vực Vũng Áng có thể tiếp nhận tàu container. Hiện tại, Cục Hàng hải Việt Nam đã cho phép cầu cảng số 1 tiếp nhận tàu container đến 30.000 DWT, cầu cảng số 2 tiếp nhận tàu container đến 45.000 DWT. Đây là bước chuẩn bị quan trọng về cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng đón các tàu container đến và rời cảng.

Những lợi thế của cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương đã lọt “mắt xanh” nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

Những lợi thế của cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương đã lọt “mắt xanh” nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

Những lợi thế của cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương đã lọt “mắt xanh” nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như: Tập đoàn cảng Hạ Môn (Trung Quốc), Tập đoàn Formosa (Đài Loan), Tập đoàn cảng biển Singapore và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Ngày 14/01/2021, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn với UBND tỉnh Hà Tĩnh được ký kết, đánh dấu mốc cho sự hợp tác nhằm hình thành và phát triển cảng biển và logistics tại Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Tiếp đó, ngày 10/4/2021, Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt đón chuyến tàu container đầu tiên cập cảng Vũng Áng. Đây là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu tốt đẹp trong việc phối hợp, liên kết giữa Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Từ đây, định tuyến vận tải container 4 chuyến/tháng giữa cảng Hải Phòng - Hà Tĩnh - TP. HCM và ngược lại đã được thực hiện thành công trong thời gian qua với 7 chuyến tàu cập cảng.

Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, từ đầu năm 2021 đến nay, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đạt hơn 17,8 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt trên 3,3 triệu tấn; hàng nhập khẩu đạt trên 9 triệu tấn; hàng nội địa đạt trên 5,5 triệu tấn.

Dự kiến trong năm 2021, sản lượng hàng hóa thông quan qua các cảng biển Hà Tĩnh đạt 35 triệu tấn (tăng 3 triệu tấn so với năm 2020) với hơn 4.000 lượt tàu, thuyền (tăng 400 lượt tàu so với năm 2020).

Duy Ngợi