Khơi thông dòng chảy thương mại nông sản đang chậm lại do COVID-19

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:35, 14/09/2021

(VLR) Bộ NNPTNT đề nghị hỗ trợ mở nút thắt lưu thông, nhân lực lao động để hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản không bị đứt mạch.

Cần khơi thông dòng chảy thương mại cho nông sản để người dân yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19. Ảnh: Vũ Long

Cần khơi thông dòng chảy thương mại cho nông sản để người dân yên tâm sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19. Ảnh: Vũ Long

Xuất khẩu nông sản tăng trưởng khá nhưng đang chậm lại

Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng năm 2021, dù dịch COVID-19 bùng phát làn sóng thứ 4 và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng nhìn chung 7/9 mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng khá ấn tượng: Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản ước đạt 32,1 tỉ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 13,9 tỉ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỉ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỉ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỉ USD, tăng 31,1%.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy trong 8 tháng đầu năm, trong khi nhu cầu của thế giới phục hồi, đặc biệt là tại các thị trường như Hoa Kỳ, Châu Âu (EU) và Trung Quốc, nhưng hoạt động xuất khẩu ở nước ta vẫn gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiếu container rỗng, tăng giá cước vận tải đã tác động không nhỏ đến tiến độ xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Đông Bắc Á...

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến, sản xuất nông nghiệp 8 tháng năm 2021 cơ bản chủ động được nhu cầu lương thực, thực phẩm hiện tại của người dân các địa phương trên cả nước và dư để xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là trong khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm nông sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp để chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo, đảm bảo cung ứng đủ cho tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 và một phần cho xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

“Kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7 do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía Nam nên việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ xuất khẩu nhiều nông sản có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Phải tháo gỡ những nút thắt cơ bản nhất

Ông Bùi Bá Sự - Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Việt Úc đề xuất những người dân, những doanh nghiệp có người lao động đã được tiêm vaccine từ 1 mũi trở lên sau 14 ngày được đi lại, làm việc bình thường để nhà máy có đủ nhân lực lao động. Có như vậy mới phục hồi được sản xuất.

Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ và phải hỗ trợ trực tiếp cho người trực tiếp sản xuất. Trong lĩnh vực thủy sản cần hỗ trợ người nuôi từ 10-15% giá thành sản xuất chăn nuôi, đặc biệt là nuôi tôm – lĩnh vực mang lại lợi ích lớn cho xuất khẩu trong nhóm thủy sản.

Theo Bộ NNPTNT, do thực hiện giãn cách xã hội, phần lớn người sản xuất, doanh nghiệp chế biến nông sản gặp khó khăn, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất kinh doanh do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng; chi phí sản xuất phát sinh quá lớn (các doanh nghiệp gỗ tăng khoảng 20-30%), nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc duy trì sản xuất, thậm chí một bộ phận người dân, doanh nghiệp phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực để chi trả các khoản vay đến hạn, tái đầu tư; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn...

Từ những khó khăn thực tại, Bộ NNPTNT đề nghị Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vaccine ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Các lái xe và người trên xe sau khi đã được tiêm phòng 2 mũi vaccine thì có thể miễn xét nghiệm hoặc kéo dài thời gian xét nghiệm 1 tháng/lần, để giảm chi phí vận chuyển và tạo điều kiện cho lưu thông…