Giữ vững đà xuất khẩu dệt may

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:18, 18/10/2021

(VLR) Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may rơi vào cảnh 'khó chồng khó', thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản do buộc phải đóng cửa, dừng sản xuất.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10

Điều này khiến lượng hàng tồn kho tăng cao, hoạt động sản xuất bị đình trệ, ảnh hưởng đến nguồn cung lao động khi nhiều công nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã trở về quê.

Với dư địa từ những tháng đầu năm khi còn nhiều đơn hàng, nhu cầu sản xuất, kinh doanh từ nay đến cuối năm rất lớn. Tuy nhiên, nếu các địa phương không sớm nới lỏng phong tỏa, hạn chế đi lại và triển khai biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế thì mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD trong năm nay của ngành dệt may đề ra sẽ khó có thể thực hiện được.

Nỗi lo lao động và giá nguyên liệu

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) tại các DN nằm trong khu vực áp dụng Chỉ thị 16, có 65,3% số DN Việt Nam đã ngừng hoạt động trong tháng 9, chỉ còn 34,7% số DN còn duy trì hoạt động. Trong đó, ngành dệt may và da giày là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về tâm lý, sức khỏe và kinh tế gần như kiệt quệ với hơn 60% số người lao động (NLĐ) di cư muốn về quê hoặc đã về quê. Mặc dù vậy, phần lớn NLĐ xác định chỉ về quê trong một thời gian ngắn để phục hồi sức khỏe và lo cuộc sống cho bản thân, con cái. 89% số NLĐ di cư và 96% số NLĐ địa phương muốn tiếp tục làm việc ở các nhà máy.

Với đặc thù sử dụng nhiều lao động, từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đến nay, các DN dệt may chịu tác động rất lớn. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long cho biết, DN có khoảng 20% số lao động không đến làm việc được do ở những vùng bị phong tỏa, các cửa hàng kinh doanh bị “tê liệt” do buộc phải đóng cửa, nhiều hợp đồng may đồng phục không thực hiện được do không thể di chuyển. Mặc dù nguồn hàng số lượng lớn nhiều nhưng DN phải đối diện rủi ro khi giao hàng chậm, giao hàng bằng máy bay với các khoản chi phí tăng cao khiến hiệu quả đạt được không như mong muốn.

Tuy nhiên, do triển khai nhiều giải pháp thích ứng linh hoạt cho nên tổng doanh thu của đơn vị chín tháng qua vẫn duy trì bằng cùng kỳ năm trước, phấn đấu lợi nhuận cuối năm tăng hơn năm ngoái thông qua nỗ lực cắt giảm chi phí. Hiện tại, May 10 cũng đã có đơn hàng đến hết quý I/2022 và để tăng lượng hàng xuất khẩu, May 10 sẽ huy động NLĐ làm thêm giờ, triển khai các giải pháp tăng năng suất. Đồng thời, công ty cũng luôn nâng cao công tác phòng, chống dịch bệnh, đến nay đã có hơn 90% số lao động của công ty tại các tỉnh, thành phố đã được tiêm vắc-xin mũi 1 và hơn 50% đã tiêm mũi 2.

Chung quan điểm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương khẳng định, Hưng Yên là một trong những tỉnh thực hiện phòng, chống dịch tốt cho nên không có đơn vị nào của DN bị dừng sản xuất, thậm chí năng suất tăng 20% so với trước do có sự đầu tư về công nghệ, trang thiết bị hiện đại. Qua đó, đưa tổng doanh thu chín tháng của DN tăng khoảng 10%; thu nhập của NLĐ bình quân đạt 10 triệu đồng/người/tháng (tăng 10% so cùng kỳ).

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh cùng với các khoản chi phí tăng cao khiến lợi nhuận của Hugaco giảm 5% so cùng kỳ. Hugaco cũng đã ký đơn hàng đến hết tháng 1/2022 và đang tiếp tục đàm phán, ký những đơn hàng các tháng tiếp theo. Khó khăn ở chỗ, tháng 2 là thời điểm chuyển vụ nhưng một số khách hàng đang trông chờ vào cách chống dịch của Việt Nam, nếu hiệu quả mới đàm phán, ký kết, ngược lại sẽ chuyển đơn hàng đi nơi khác.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của DN, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn hiện đã có đơn hàng đến hết quý IV/2021, thậm chí là quý I/2022, tuy nhiên, thời gian qua các DN may ở các tỉnh, thành phố phía nam rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng, đóng cửa nhà máy do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều DN áp dụng chế độ làm việc “Ba tại chỗ” để hoàn thành các đơn hàng khiến chi phí phát sinh tăng cao, bị thua lỗ.

Xu hướng giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ là thách thức lớn cho DN, nhất là đối với những DN đã ký với khách hàng giá thấp từ năm ngoái, sau đó phải nhập nguyên liệu cao hoặc nguyên phụ liệu về chậm sẽ phải chịu thiệt hại không nhỏ. Bên cạnh đó, tại một số DN phía nam, theo ước tính có khoảng 20%-30% lao động rời bỏ thành phố về quê và trong giai đoạn tới sẽ cần thời gian để NLĐ quay trở lại làm việc cũng như lấy lại năng suất lao động như thời điểm trước giãn cách.

Linh hoạt các giải pháp

Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cũng cho biết, Tập đoàn đã triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp ứng phó nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Đối với việc đứt gãy chuỗi cung ứng gây nên tình trạng nguyên liệu về chậm hay giá nguyên phụ liệu và phí logistics tăng mạnh thời gian qua, không cách nào khác, đơn vị sản xuất phải làm việc chặt chẽ với khách hàng và kêu gọi khách hàng chia sẻ khó khăn trong công tác triển khai đơn hàng, cùng nhau đưa ra giải pháp tối ưu nhất. Bên cạnh đó, chủ động làm việc với nhà cung cấp để tránh giá tăng quá cao gây ảnh hưởng đến đầu ra, nâng cao công tác dự báo thị trường để có kế hoạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dự trữ, tránh tác động khi giá tăng phi mã. Các DN cần xây dựng nhiều kịch bản ứng phó năm 2022 khi thị trường hồi phục và bình thường hóa lại sản xuất.

Mặt khác, các DN cần tận dụng các lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Để đạt được điều này, các DN phải có sự đầu tư chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để thỏa mãn quy tắc xuất xứ “từ sợi” trở đi đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và “từ vải” trở đi đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Hướng đi tập trung trong giai đoạn tới là đặt mục tiêu chung “trở thành một điểm cung ứng trọn gói”, phát triển chuỗi toàn diện gồm: DN sợi, dệt, hoàn tất, phụ liệu, DN may, DN hỗ trợ (như logistics, đào tạo, nghiên cứu và phát triển), nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị, phát triển thiết kế sản phẩm, cung ứng sản phẩm trọn gói từ thiết kế, ra mắt có cân nhắc từng nhóm thương hiệu riêng,...

Chín tháng năm 2021, tổng doanh thu của Vinatex đạt 24,68 nghìn tỷ đồng, giảm 12,4%; lợi nhuận đạt 1,14 nghìn tỷ đồng, tăng 136,9% so cùng kỳ. Thời gian vừa qua, tuy khối may và dệt bị ảnh hưởng nhưng bù lại doanh thu và lợi nhuận từ khối sợi đạt thành tích ấn tượng với doanh thu đạt 5.530 tỷ đồng, tăng 28% so cùng kỳ, lợi nhuận đạt 484,72 tỷ đồng. Nhiều DN gặp khó khăn về tài chính, đơn hàng nhưng đều cố gắng hỗ trợ để chăm lo đời sống và giữ chân NLĐ. Để đẩy mạnh hàng xuất khẩu trong thời gian tới, các DN cần gấp rút quay trở lại sản xuất nhằm bảo đảm trả các đơn hàng đã ký, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án phòng, chống dịch Covid-19, duy trì ổn định sản xuất.

Theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Nguyễn Thị Thu Trang, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, nhiều DN bị đứt gãy chuỗi sản xuất dẫn đến một số đơn hàng dệt may đã ký trước đó bị khách hàng hủy hoặc chuyển dịch sang nước khác.

Điều này dẫn tới những lo ngại về tương lai xuất khẩu của các sản phẩm này. Tuy nhiên, với các nhãn hàng dệt may lớn, chuyện chuyển dịch các đơn hàng đến các khu vực kiểm soát dịch tốt là điều bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu mùa mua sắm cuối năm tại các thị trường Âu, Mỹ. Vì vậy, nếu các DN nhanh chóng khôi phục sản xuất, hoàn thành thuận lợi các đơn hàng còn lại trong những tháng tới thì không cần quá lo lắng về tương lai. Bởi trong lâu dài, so với nhiều đối thủ cạnh tranh, dệt may Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật, khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường, nhất là các ưu đãi thuế quan theo các FTA.

Hiện nay, điều quan trọng nhất DN dệt may, da giày cần là các chính sách hỗ trợ trực diện như: hỗ trợ tài chính, miễn hoặc giảm mạnh các loại thuế, phí (như phí bảo hiểm xã hội, phí công đoàn,…) hay gói hỗ trợ lãi suất tín dụng kịp thời nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất đầy đủ. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách giúp DN tận dụng hiệu quả nguồn lao động đang có, nới lỏng hoặc bỏ các hạn chế về số giờ làm thêm tối đa, giúp DN thu hút lao động quay trở lại làm việc thông qua việc hỗ trợ chi phí suất ăn ca, thuê trọ, hay việc tổ chức xét nghiệm định kỳ miễn phí cho NLĐ. Thiết lập một cơ chế luồng xanh thống nhất trên toàn quốc cho việc vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất xuất khẩu...

Báo Nhân dân