Để không bỏ lỡ “chuyến tàu” CPTPP

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 13:30, 14/10/2021

(VLR) Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu không tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam (VN) sẽ bị những thách thức lớn trong thời kỳ bình thường mới sau đại dịch.

Chưa tận dụng được hết các ưu đãi

Ngày 08/3/2018, Việt Nam đã cùng 10 nước gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore chính thức ký kết Hiệp định CPTPP tại Thành phố Santiago (Chile). Các nước tham gia CPTPP có tổng GDP là 10,2 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 13% trong tổng GDP toàn cầu. Tổng dân số là 495 triệu người, chiếm 6,8% dân số thế giới.

Đến ngày 14/01/2019, Hiệp định đã có hiệu lực đối với Việt Nam. Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao - cân bằng, CPTPP được kỳ vọng giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cơ hội và thách thức từ CPTPP phụ thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của chính Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 9/2017, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Trong năm đầu thực thi CPTPP, xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, từ 26% - 36%. Năm 2019, xuất khẩu sang sáu nước CPTPP đạt 34,3 tỷ USD (tăng 8,1%); đến năm 2020, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu vẫn duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỷ USD. Trong bối cảnh hầu hết các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu, việc VN vẫn đạt mức tăng trưởng cho thấy những tác động tích cực từ CPTPP. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa xuất khẩu của VN tại các nước đối tác CPTPP còn thấp. Cụ thể, Nhật Bản đạt 3,1%, Austraulia 1,9%, New Zeland 1,6%, Mexico 1,3%, Canada 1,1%, Singapore 1%.

So sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP mang lại cho hàng hóa xuất khẩu của VN vẫn còn khá ít ỏi. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường CPTPP chỉ đạt 7,2%, thấp hơn so mức 8,4% của thế giới trong cùng thời kỳ.

Tiềm năng lớn

TPP là trụ cột kinh tế trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi TPP dẫn đến việc các nước còn lại nhóm họp và cho ra đời CPTPP vào năm 2018.

Hiện nay, dư luận đặc biệt quan tâm liệu Tổng thống Joe Biden có đưa Mỹ quay lại với CPTPP hay không? Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định rằng sự quay lại này là rất có khả năng. Ngoài ra, CPTPP với tư cách là một Hiệp định mở, ngày càng có triển vọng hiện thực hóa mở rộng thành viên cho Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và nhiều nước khác tham gia. Cụ thể, ngày 01/02/2021, Bộ Thương mại Anh đã đề nghị gia nhập CPTPP. Động thái này có nghĩa là Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên chính thức đăng ký tham gia CPTPP.

Không chỉ Anh, ngày 16/9/2021, Trung Quốc tuyên bố đã chính thức gửi đơn gia nhập. Nếu gia nhập, sẽ là bước quan trọng để Trung Quốc tăng ảnh hưởng kinh tế sau khi ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) năm ngoái.

Việc Trung Quốc gia nhập CPTPP được dự báo sẽ khó khăn khi cần sự đồng thuận của 11/11 nước CPTPP. Ngoài ra, cánh cửa gia nhập cũng sẽ hẹp hơn khi các nước CPTPP siết chặt các quy tắc mới, liên quan đến trợ cấp cho DN (doanh nghiệp), bảo vệ sở hữu trí tuệ và phúc lợi cho người lao động. Mặt khác, Nhật Bản, nước giữ vai trò chủ tịch CPTPP năm nay, có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, được xem là rào cản lớn đối với Trung Quốc.

Với lợi thế về phát triển thành viên, CPTPP sẽ là một tiềm năng rất lớn cho hàng hóa Việt vươn ra thị trường thế giới.

Tận dụng cơ hội cho “làn sóng” thứ hai

Điều dễ dàng nhận thấy, hiệu quả đạt được từ CPTPP đối với DN VN còn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do các DN chưa chủ động trong việc tìm hiểu về các cơ hội và ưu đãi CPTPP mang lại. Theo đó, một số cản trở đã khiến cho các DN không muốn tiếp cận các ưu đãi từ CPTPP như không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ, gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ, thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết,... Ðáng chú ý, lý do lớn nhất là nhiều DN không biết gì về ưu đãi thuế cho lô hàng của mình do còn rất mơ hồ về CPTPP.

Trong khi dịch bệnh hoành hành toàn cầu và nền kinh tế các nước đang phát triển bị suy thoái, VN lại nổi lên với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 2,91% với sự đóng góp lớn của hoạt động xuất khẩu, phần nhiều ở khu vực FDI. Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại VN khởi đầu vào 27/4/2021 cho đến tháng nay vẫn đang còn tiếp diễn, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu. DN cần phải tận dụng triệt để cơ hội từ CPTPP để tăng tốc khi cuộc sống trở lại bình thường mới.

Vấn đề là làm sao để các DN Việt tận dụng được những lợi thế thương mại mà CPTPP mang lại, khi hầu hết lại là các DN nhỏ và vừa. Bởi, các DN có quy mô nhỏ sẽ khó có khả năng trụ vững trước sự cạnh tranh quyết liệt khi tham gia vào chuỗi thương mại toàn cầu. Hơn nữa, quy mô nhỏ và tiềm lực tài chính yếu cũng khiến các DN này gặp khó trong việc huy động vốn, đáp ứng chi phí vận chuyển, hậu cần và chi phí thuê lao động.

Thực tế, những ưu đãi từ CPTPP chỉ là yếu tố hỗ trợ. Điều kiện tiên quyết vẫn phải là nội lực và quyết tâm đổi mới của DN. Do vậy, các DN cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại, cải thiện khả năng tham gia thương mại quốc tế để nắm bắt thời cơ, tận dụng những lợi thế mà CPTPP mang lại, vượt qua thách thức, từ đó phát triển trên thị trường, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, từ bài học của WTO, đến nay là CPTPP, VN cần có những bước cải tiến cho theo kịp trong bối cảnh hội nhập.

TS. Nguyễn Văn Khanh