Đồng bằng sông Cửu Long: Khai thác lợi thế vận tải đường thủy
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:15, 01/11/2021
Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế rất lớn về vận tải đường thủy, nhưng chưa phát huy được hết lợi thế
Chưa khai thác hết tiềm năng
Đồng bằng sông Cửu Long có mật độ đường thủy cao nhất cả nước, đạt tỷ lệ 0,61km/km2. Hệ thống này được hình thành từ 2 hệ thống sông chính theo trục dọc là sông Tiền và sông Hậu cùng các tuyến đường thủy trục ngang với tổng chiều dài gần 14.900km.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam Trần Đỗ Liêm cho biết, tàu thuyền có thể đi lại quanh năm trên hệ thống đường thủy tại Đồng bằng sông Cửu Long vì nước phẳng, ít sóng, chi phí rẻ hơn nhiều vận tải đường bộ. Đơn cử, một xe chở container 20 tấn hàng hóa từ tỉnh Tiền Giang tới cảng xuất khẩu ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chi phí lên đến 13 triệu đồng, nhưng một sà lan chở đến nghìn tấn hàng trên tuyến này chỉ hết khoảng 10 triệu đồng.
Lợi thế là vậy, nhưng lâu nay, vận tải thủy tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa thể khai thác hết tiềm năng. Về nguyên nhân khách quan, theo Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải), phương tiện vận tải thủy tải trọng lớn trên 5.000 tấn có thể chạy trên sông Tiền, sông Hậu, nhưng chưa thể ra biển, vì cửa Định An và cửa sông Tiền đều bị bồi lắng. Hơn nữa, để nối sông Tiền và sông Hậu, hiện ngành Giao thông chỉ sử dụng sông Vàm Nao (tỉnh An Giang) làm luồng chính, khiến các phương tiện từ cuối nguồn phải đi vòng khá xa. Trong khi đó, kênh Chợ Gạo nối sông Tiền với cụm cảng Tân Cảng - Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh), Thị Vải - Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lại chỉ phù hợp cho tàu có tải trọng 2.000 tấn qua lại khi nước xuống và cũng sắp quá tải.
Về nguyên nhân chủ quan, hạ tầng cảng thủy toàn vùng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Theo thống kê, Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 2.500 cảng nội địa, nhưng phần lớn chưa được kết nối tốt với hệ thống đường bộ; không có hạ tầng kho bãi, phương tiện bốc xếp phù hợp với việc tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa bằng container.
Giám đốc Công ty Cảng và dịch vụ logistics VRG Thanh Phước (tỉnh Tây Ninh) Trần Mạnh Hùng nêu ví dụ, sông Vàm Cỏ Đông dài 170km, chảy qua 40 khu công nghiệp của hai tỉnh Long An và Tây Ninh, cách các tuyến đường bộ chỉ 15km. Tuy nhiên, dọc tuyến không có cảng container nên các doanh nghiệp vẫn phải vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, chi phí cao.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam Phạm Quốc Long nhận định, trên toàn hệ thống đường thủy vùng Đồng bằng sông Cửu Long có quá nhiều cầu tĩnh không thấp dưới 7m, như: Cầu Đồng Nai cũ (tỉnh Đồng Nai), cầu Măng Thít và cầu Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long)…, khiến các tàu cỡ lớn phải chờ khi nước xuống mới có thể qua lại.
Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng
Để phát huy lợi thế vận tải đường thủy tại Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam Phạm Quốc Long kiến nghị, Bộ Giao thông - Vận tải nâng cấp các tuyến vận tải đường thủy nội địa kết nối sông Tiền và sông Hậu thông qua sông Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) và kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền (tỉnh Đồng Tháp), phá thế độc đạo của sông Vàm Nao, cho phép sà lan chở container tải trọng 54 - 200TEUs (TEU - một đơn vị đo sức chứa hàng hóa, tương đương 1 container 20 feet) có thể di chuyển để giảm chi phí chuyển tải container từ Đồng bằng sông Cửu Long đến các cảng khu vực duyên hải Đông Nam Bộ.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Cảng và dịch vụ logistics VRG Thanh Phước Trần Mạnh Hùng đề xuất, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hình thành tuyến vận tải container nội địa trên sông Vàm Cỏ Đông, giảm áp lực vận tải đường bộ trên quốc lộ 22 và đường vào cảng cạn ICD Phước Long, Phúc Long và Cảng Cát Lái (TP. HCM).
Còn Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, cần nâng tĩnh không cầu Đồng Nai cũ lên hơn 7m để sà lan chở container tải trọng 128 TEUs có thể khai thác an toàn; sớm triển khai nâng cấp luồng kênh Chợ Gạo để tăng năng lực vận tải đường thủy từ Đồng bằng sông Cửu Long lên miền Đông Nam Bộ…
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sắp tới ngành Giao thông sẽ triển khai dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu trọng tải lớn từ biển vào sông Hậu giai đoạn 2; nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu Trần Đề ngoài cửa sông Hậu; cải tạo luồng hàng hải sông Tiền; nâng cấp kênh Chợ Gạo và từng bước hình thành hệ thống cảng container rộng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát huy lợi thế vận tải thủy toàn vùng.