Cải cách kiểm tra chuyên ngành sẽ tăng sức bật cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:32, 10/11/2021
Lượng tờ khai nhập khẩu phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải dự kiến sẽ tăng trưởng trên 20%/năm trong vòng 5 năm tới
Lưu lượng hàng tăng nhanh
Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc nhóm cảng biển số 4, là cảng đặc biệt, với mục tiêu đến năm 2030 lượng hàng hóa thông qua từ 461 – 540 triệu tấn (hàng container từ 23 đến 28 triệu TEU); hành khách từ 1,7 đến 1,8 triệu lượt khách. Trong đó, Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng duy nhất phía Nam có thể tiếp nhận được tàu container có tải trọng trên 200.000 tấn, trở thành một trong số 21 cảng biển lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này.
Theo số liệu của Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu, số lượng tờ khai nhập khẩu phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại đơn vị trong năm 2019 là 7.125 tờ khai và năm 2020 là 7.101 tờ khai, chiếm khoảng 11% tổng số tờ khai nhập khẩu. Số lượng này được dự báo sẽ tăng lên với tốc độ trên 20%/năm trong vòng 5 năm tới và đạt gần 20.000 tờ khai vào năm 2025.
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực này còn tồn tại rất nhiều vướng mắc, bất cập, đã làm tăng chi phí, kéo dài thời gian thông quan, gây khó khăn cho người dân, DN và cho cả cơ quan Hải quan, do các cơ quan thực hiện công tác này thường do các bộ, ngành chỉ định và không nằm trên cùng một địa bàn. Việc phải chạy tới 2-3 cơ quan kiểm tra chuyên ngành trong điều kiện không thuận lợi về giao thông và khoảng cách như hiện nay đã gây khó khăn lớn cho DN. Trong khi cơ quan Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay chỉ thực hiện về chức năng kiểm định, phân tích, giám định để hỗ trợ công tác phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với số lượng rất nhỏ. Cụ thể, năm 2020 thực hiện 170 mẫu, 6 tháng đầu năm 2021 có 153 mẫu và phải gửi đi phân tích phân loại tại Chi cục kiểm định 3 tại TP. HCM, gây tốn kém chi phí và kéo dài thời gian do phải chờ kết quả.
Tạo đột phá về cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu “Tập trung phát triển cảng biển container Cái Mép – Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế”. Với mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định tiếp tục thu hút và thực hiện các giải pháp để tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 375 triệu tấn; các hoạt động liên quan đến cảng biển đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 100.000 tỷ đồng.
Để thực hiện các yêu cầu nhằm phát triển nhanh, hiệu quả hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải, trong Thông báo số 61/TB-VPCP ngày 25/3/2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã yêu cầu thực hiện: “thủ tục thông quan nhanh chóng, sớm hình thành Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung với trang thiết bị đầy đủ để kịp thời thông quan hàng hóa; Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu, bổ sung quy định về việc chuyển khẩu qua lại giữa các bến tại Cái Mép được nhanh chóng”.
Ngày 18/10 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có Kết luận số 171-KL/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 28/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá VI về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó chỉ đạo triển khai, thúc đẩy hình thành Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ; hình thành các trung tâm phân phối hàng hóa trên hành lang logistics giữa sân bay quốc tế Long Thành và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với cảng biển, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đối với cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng, kết hợp chặt chẽ phát triển cảng biển và hậu cần cảng với quốc phòng, an ninh biển.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để thực hiện nhiệm vụ trên, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng và diện tích đất để xây dựng Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung. Trong đó, Trung tâm chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật (Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành có diện tích khoảng từ 10-12ha, vị trí xây dựng thuộc địa bàn ấp Phước Long, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ. Tại khu vực này, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã dự trù diện tích đất đủ lớn để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các bộ, ngành có nhu cầu phục vụ mục đích xây dựng các Trung tâm kiểm tra hàng hóa chuyên ngành.
UBND tỉnh đang trao đổi với Tổng cục Hải quan để thống nhất về quy mô, nhu cầu sử dụng đất và vị trí làm cơ sở để tỉnh chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tiến hành các thủ tục cần thiết, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng và diện tích đất theo yêu cầu nhằm sớm hoàn thành theo đúng lộ trình hình thành và hoạt động của Tổng cục Hải quan.
Đặc biệt, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính chấp thuận thành lập Chi cục Kiểm định Hải quan tại khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải.
Theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khi triển khai thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thì việc thành lập Chi cục Kiểm định Hải quan tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải ngoài việc thực hiện chức năng kiểm định, phân tích, giám định để phục vụ công tác phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, còn có thể thực hiện công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Việc thành lập Chi cục Kiểm định Hải quan tại khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải sẽ giúp giảm bớt thủ tục, chi phí, rút ngắn thời gian thông quan tại khu vực này. Đồng thời góp phần hỗ trợ phát triển nhanh, hiệu quả hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải và Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai.