Kiến nghị tháo gỡ đứt gãy chuỗi cung ứng
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 13:51, 17/11/2021
Để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng cần nhiều giải pháp kịp thời, lâu dài từ cơ quan quản lý Nhà nước
Nhận diện nguyên nhân
Trước hết, lâu nay các chính sách phát triển thường khuyến khích thu hút đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng theo quy mô, theo số lượng… trong khi các khâu phân phối, lưu thông, tiêu dùng - khâu logistics cho sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa lại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này làm cho chi phí cao, thị trường gần 100 triệu dân rất nhiều phân khúc còn bị bỏ ngõ nhiều năm, thị trường nội để cho hàng bên kia biên giới phẩm cấp thấp tràn lan, vào tận từng ngõ ngách gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước… Sự “đứt gãy” giữa sản xuất và logistics diễn ra ngay từ khâu hoạch định chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển ở hầu như các ngành và các địa phương.
Thứ hai, trong xây dựng và mở rộng các tuyến quốc lộ, đường cao tốc và các hành lang kinh tế, ta chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng hạ tầng kết nối (hạ tầng logistics - trung tâm logistics, khu công nghiệp logistics...). Sự có mặt của các trung tâm logistics trên các hành lang kinh tế được quy hoạch, xây dựng bài bản, đúng vị trí có khả năng kết nối sẽ giảm được tai nạn giao thông, tránh được hiện tượng xe dừng nghỉ ngay bên lề đường quốc lộ, trên cao tốc hoặc người dân tự phá rào ban đêm để phục vụ xe khách, xe tải trên các tuyến cao tốc hay trải chiếu ăn trưa ngay bên lề đường dừng nghỉ khẩn cấp… Đồng thời, giúp xóa bỏ các điểm dừng nghỉ tự phát gây mất mỹ quan giao thông, đô thị, mất an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và xa hơn là tiết kiệm được rất lớn chi phí ngân sách đầu tư cho đền bù mỗi lần mở rộng hay cải tạo các tuyến quốc lộ…
Thứ ba, tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, việc xây dựng hàng loạt khu chung cư, khu đô thị thời gian qua, nhất là khi hễ có một doanh nghiệp, công ty hay cơ quan chuyển ra ngoại thành hoặc khi thực hiện chủ trương “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”… nhưng lại không hề tính đến một cách tổng thể khâu hậu cần về hạ tầng giao thông, hạ tầng thoát nước, hệ thống trường học và cả khu vui chơi giải trí cho cư dân… Điều này đã dẫn đến nhiều bất cập trong phát triển bền vững, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, ngập nước… ngày càng nghiêm trọng ở nhiều địa phương, thành phố.
Thứ tư, vận tải là hoạt động logistics có vai trò đặt biệt quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Việt Nam có đủ các loại hình vận tải như: đường biển, đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường ống... Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta đã quá chú trọng vào các chính sách phát triển và đầu tư cho đường bộ, làm các BOT, đua nhau làm cảng biển, đường cao tốc, sân bay… nhưng lại thiếu đầu tư xây dựng hệ thống đường gom, đường kết nối đồng bộ, thiếu quan tâm phát triển đường sắt quốc gia, đường sắt kết nối các cảng biển quốc tế, đường thủy và đặc biệt là xây dựng các trung tâm logistics để phát triển vận tải đa phương thức, xây dựng các khu công nghiệp logistics hậu cần cho sản xuất. Điều này làm cản trở tiêu thụ sản phẩm, xuất nhập khẩu của các địa phương và doanh nghiệp… làm đứt gãy chuỗi cung ứng khi có thiên tai và dịch bệnh xảy ra.
Khuyến nghị nhằm hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch COVID-19
Về giải pháp trước mắt để khắc phục những “đứt gãy” ngay trong tư duy, chính sách đầu tư phát triển làm đứt gãy chuỗi cung ứng:
Cần phải có tư duy logistics ngay trong khâu hoạch định, thực thi chiến lược phòng chống dịch COVID-19 nhằm bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và kịp thời các yếu tố vật chất và con người phòng chóng dịch trong mọi tình huống. Chiến lược phòng chống dịch COVID-19 phải đi kèm chiến lược hậu cần - logistics trong mọi kịch bản.
Chính phủ và các bộ ngành cần rà soát để bổ sung kịp thời các chính sách phát triển logistics trực tiếp cho sản xuất, tiêu thụ và phòng chống dịch. Cần có chính sách quyết liệt nhằm huy động toàn bộ cơ sở hạ tầng logistics như: vận tải hàng hóa đường sắt Bắc - Nam, đường thủy, đường biển mà lâu nay chưa được khai thác hiệu quả, huy động mọi lực lượng của dự trữ quốc gia đóng tại các khu vực tham gia vào các hoạt động cung ứng hàng hóa, phòng chống dịch ở các địa phương phía Nam, bao gồm cả hoạt động hỗ trợ tiêu thụ và dự trữ đối với các sản phẩm trong vùng. Tập trung ưu tiên chính sách kết nối lưu thông hàng hóa trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy do COVID-19 trong vùng.
Tổ chức, quản lý khoa học luồng hàng hóa vận chuyển phục vụ phòng chống dịch, bảo đảm hoạt động tiêu thụ và xuât nhập khẩu hàng hóa không bị đứt gãy do phải phòng chóng dịch ở các địa phương không thống nhất gây ra bởi luồng xanh, luồng đỏ....
Đẩy nhanh việc miễn dịch cộng đồng đối với nguồn nhân sự logistics trong khu vực và nền kinh tế quốc dân, bằng việc thúc đẩy nhanh hơn việc tiêm vắc xin đủ liều cho nhóm lao động này. Tăng cường nguồn nhân lực logistics và có chính sách khuyến khích kịp thời cho đội ngũ vận chuyển, kho hàng, bán hàng, giao hàng...
Chính phủ, các bộ ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào phòng chống COVID-19 trên cả nước theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” ở mức độ cao hơn, quyết liệt hơn; có chế độ, chính sách khuyến khích kịp thời đội ngũ tuyến đầu; ghi nhận và khen thưởng kịp thời ở mức cao nhất đối với những người có công, hy sinh trên tuyến đầu như trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trước đây.
Các giải pháp lâu dài
Chính phủ và các bộ cần hoàn thiện thể chế, pháp luật logistics nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động logistics trên thị trường trong mọi tình huống.
Cần xây dựng các giải pháp lâu dài
Đổi mới toàn diện hệ thống dự trữ quốc gia để nâng cao hơn nữa vai trò, sứ mệnh, công cụ dự trữ quốc gia trong hệ thống logistics trước những biến động khó lường.
Bổ sung và hoàn thiện chính sách phát triển doanh nghiệp logistics bằng việc thực thi cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp này với tất cả các loại hình vận tải Có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa các phương tiện vận tải, nhất là các phương tiện vận tải đường bộ (ô tô), đường sắt, đường thủy vốn đã quá lạc hậu.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt ưu tiên thực hiện dự án đường sắt đôi tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng các trung tâm logistics với hệ thống kho lạnh, chế biến sâu đồng bộ, hiện đại tại các vùng tập trung sản xuất lớn và cả trên các hành lang kinh tế QL 1A, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc…; đẩy nhanh kết nối đường sắt quốc gia với các cảng biển quốc tế, các hành lang kinh tế qua các cửa khẩu quốc tế với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia,…); Tiếp đến là xây dựng các khu công nghiệp logistics, cụm logistics trên địa bàn cả nước để kết nối các địa phương, các vùng kinh tế nhằm thực hiện hiệu quả liên kết kinh tế, khai thác hiệu quả các tuyến hành lang kinh tế trên địa bàn, tiến tới xây dựng thị trường bất động sản logistics Việt Nam, thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong mọi tình huống...
Cần cải thiện môi trường logistics từ cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng logistics, hệ thống các doanh nghiệp logistics và thị trường đến doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics bảo đảm tính bền vững của chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch và thiên tai.