Vai trò của đại lý giao nhận và người cung cấp dịch vụ logistics
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:20, 30/11/2021
Giao nhận vận tải có vai trò rất quan trọng trong quản lý chuỗi cung ứng (SCM) và không thể thiếu được trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội
Tuy vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất nhập khẩu (XNK), thậm chí có cả một số cán bộ quản lý ngành liên quan cũng cho rằng đây chỉ là “khâu trung gian” đơn thuần, cần hạn chế hoăc loại bỏ để cắt giảm chi phí logistics đang còn ở mức cao; đưa ra yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam cần thành lập sàn giao dịch để lưu cước trực tiếp giữa chủ hàng và hãng vận chuyển. Thời gian vừa, ngành XNK hàng hóa bị tác động mạnh mẽ bởi dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, quan hệ cung cầu cũng bị thay đổi dẫn đến việc thiếu vỏ container, các hãng tàu tăng giá cước vận chuyển đường biển liên tục, thường xuyên bỏ chuyến định kỳ vào một số cảng với lý do là việc luân chuyển container bị ách tắc tại các cảng chính châu Á, châu Âu và châu Mỹ, thiếu nhân công làm hàng… Vì vậy, chúng ta một lần nữa cần hiểu rõ vai trò của đại lý giao nhận và người cung cấp dịch vụ logistics, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đến và đi từ Hoa Kỳ yêu cầu phải có bảo lãnh (bond).
Thế nào là người giao nhận/Người cung cấp dịch vụ logistics
Theo quan điểm của FIATA (Liên đoàn Giao nhận vận tải quốc tế), Người giao nhận (Freight forwarder) là “kiến trúc sư” của dịch vụ vận chuyển. Trong vận chuyển đường biển, Freight forwarder là người thay mặt người giao hàng thu xếp việc vận chuyển hàng hóa và các thủ tục có liên quan. Mốt số công việc chính của người giao nhận bao gồm đặt chỗ (booking space) cho hàng hóa trên tàu vận chuyển chuyên tuyến (liner service) và các phương tiện vận chuyển khác; lập và hoàn chỉnh các chứng từ và mẫu biểu cần thiết và làm thủ tục hải quan, thu xếp việc trả hàng cho người nhận hàng (consignee). Freight forwader có thể hoạt động với tư cách là “Người vận chuyển” theo hợp đồng (contrachting carrier) hoặc “Người kinh doanh vận tải đa phương thức” (MTO). Một khi đã hoạt động với tư cách đó, họ không còn là đại lý nữa mà là người chủ thực sự (Principal) và phải chịu trách nhiệm pháp lý trực tiếp với khách hàng.
Trong vận chuyển đường biển, Freight forwarder là người thay mặt người giao hàng thu xếp việc vận chuyển hàng hóa và các thủ tục có liên quan
Freight forwarder trở thành người cung cấp dịch vụ logistics (LSP - Logistics Service Provider) khi cung cấp thêm các dịch vụ gia tăng khác liên quan để giao hàng cho người nhận hàng theo sự ủy thác của chủ hàng (Cargo owner), của người vận tải hoặc của người làm dịch vụ giao nhận khác - gọi chung là khách hàng.
Ngày nay với việc toàn cầu hóa thương mại đang gia tăng, chuyển đổi số thay đổi mạnh mẽ các hoạt động logistics, dây chuyền cung ứng có nhiều áp lực về vấn đề an ninh cùng với các hạn chế về thủ tục trong vận tải qua biên giới, các Freight forwarder phải tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng mà có thể chào cho khách hàng, làm cho việc thuê ngoài ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, các Freight forwarder đã chuyển thành các nhà cung cấp dịch vụ 3PL để cung cấp các dịch vụ hoàn thiện hơn cho khách hàng trong ngành dịch vụ logistics.
Dịch vụ logistics của bên thứ ba (3PL) được sử dụng rộng rãi vào nửa cuối những năm 1980 để mô tả quá trình các công ty ký hợp đồng thuê lại một số dịch vụ logistics nhất định cho các nhà cung cấp dịch vụ khác. Vì các dịch vụ 3PL có thể chào giá hiệu quả hơn như các hoạt động vận tải và phân phối, kho bãi, tồn kho, quản lý đơn đặt mua hàng, chuyển phát hàng hóa. Một ví dụ đơn giản là người giao nhận không cần phải có bộ phận chuyển phát riêng mà có thể thuê các công ty chuyên làm việc này như VN Post, Viettel Post, DHL… vận chuyển hàng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với tự mình làm. Nói tóm lại, 3PL cung cấp nghiệp vụ thành thạo, chuyên nghiệp cho dây chuyền cung ứng, qua đó giúp cho Freight forwarder đảm bảo dịch vụ khách hàng hoàn hảo. Công ty cung cấp 3PL là công ty cung cấp nhiều loại dịch vụ logistics cho khách hàng. Thường những dịch vụ này được hợp nhất hoặc kết hợp lại với nhau. Những công ty này sẽ thúc đẩy việc vận chuyển nguyên phụ liệu từ nhà cung cấp đến nhà sản xuất và thành phẩm từ nhà sản xuất đến nhà phân phối và nhà bán lẻ. Những loại dịch vụ gồm vận tải, kho bãi, đóng hàng tại kho, quản trị tồn kho, đóng gói, kiểm định, chuyển hàng… Theo Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2019 của Bộ Công Thương “doanh thu thị trường dịch vụ logistics (3PL, 4PL) toàn cầu đạt trên 1.000 tỷ USD trong năm 2019”. “Các DN 3PL lớn nhất thế giới vẫn chủ yếu tập trung ở Hoa Kỳ và EU… đại diện châu Á là Nippon Express của Nhật Bản và Sinotrans của Trung quốc”. Nhiều DN 3PL lớn của thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Hiện nay, trên thế giới đang sử dụng hình thức 4PL và 5PL ngoài 3PL.
Vai trò của Freight forwarder/Người cung cấp dịch vụ logistics
Điều 233, Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam quy định “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”. Điều 235, khoản 1., mục a) quy định “Được hưởng thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác”.
Ở Việt Nam, dịch vụ logistics bắt nguồn từ dịch vụ giao nhận kho vận (forwarding) từ những năm 70 của thế kỷ thứ 20 và đang phát triển rất mạnh mẽ
Ở Việt Nam, dịch vụ logistics bắt nguồn từ dịch vụ giao nhận kho vận (forwarding) từ những năm 70 của thế kỷ thứ 20 và đang phát triển rất mạnh mẽ, nhất là từ sau khi có Luật Thương mại năm 2005, sự quan tâm của Nhà nước và sự ủng hộ của xã hội, đặc biệt là có Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025”.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 4.000 DN cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa. Tính đến hết tháng 9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có 515 Hội viên, trong đó 428 Hội viên chính thức và 87 hội viên liên kết (58 DN FDI). VLA là thành viên tích cực của FIATA, tổ chức giao nhận logistics hàng đầu thế giới. Hội viên của VLA được phép phát hành vận đơn của FIATA kinh doanh dịch vụ logistics toàn cầu. FIATA thành lập vào ngày 31/05/1926 và liên tục phát triển, trở thành người đại diện cho giới cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp toàn cầu. Thành viên của FIATA chủ yếu là các Hiệp hội Giao nhận và logistics của các quốc gia. Hiện tại, FIATA có khoảng 40.000 công ty giao nhận và logistics tại 150 quốc gia.
Nhận thức tầm quan trọng của dịch vụ logistics, các DN sản xuất, xuất nhập khẩu (XNK) nước ta đã và đang đẩy mạnh việc thuê các LSP thực hiện các công đoạn trong quá trình sản xuất, XNK hàng hóa, như hoạt động vận tải và logistics nói chung để tập trung vào công việc quản lý sản xuất và mua bán hàng hóa. Đây được gọi là “thuê ngoài” (outsourcing). Theo Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2020 của Bộ Công Thương, các dịch vụ vận chuyển quốc tế, vận chuyển nội địa, kê khai hải quan và giao nhận hàng hóa có tỷ trọng DN thuê ngoài ở mức trên 90% nhu cầu. Vì tính ưu việt với việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, có nhiều DN hiện nay đã tiến hành thuê ngoài 100%. Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025” đã đề ra mục tiêu “Đến năm 2025 tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%”. Mục tiêu này khẳng định vai trò và tầm quan trọng của việc cung cấp dịch vụ logistics trong quá trình sản xuất và đặc biệt là cho hàng hóa XNK của Việt Nam.
Ngoài việc cung cấp dịch vụ logistics nói chung, các LSP của VLA còn có thể tư vấn cho các DN chủ hàng về cách thức lựa chon phương thức vận tải phù hợp cho hàng hóa XNK nhằm giảm chi phí logistics và tư vấn pháp lý về việc mua bán, giao nhận hàng hóa và giải quyết tranh chấp liên quan đến dịch vụ logistics với khách hàng nước ngoài. Hiệp hội VLA mong có sự hợp tác chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng và các chủ hàng trực tiếp trong việc cải tiến chất lượng cung cấp dịch vụ logistics nhằm góp phần vào việc giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của XNK hàng hóa và dịch vụ, đấu tranh với các hãng vận chuyển hàng container nước ngoài trong việc gia tăng giá cước vận chuyển và các phụ phí ngoài giá cước vì như FIATA đã từng đề cấp “Người giao nhận/logistics là kiến trúc sư của mọi dịch vụ vận chuyển hàng hóa”.