Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 sẽ thiết lập kỷ lục mới

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:47, 13/12/2021

(VLR) Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu tăng trưởng âm do tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19 thì xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 được dự báo sẽ thắng lớn với giá trị kim ngạch đạt trên 44 tỷ USD, vượt 2 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao.

Ngành hàng nông sản xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu Việt Nam 2021 - Ảnh minh họa

Ngành hàng nông sản xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu Việt Nam 2021 - Ảnh minh họa

Doanh nghiệp tăng tốc trả đơn hàng cuối năm

Thời điểm này, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đang tất bật tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, chuẩn bị cho việc xuất khẩu lô hàng 15.000 tấn gạo công ty vừa trúng thầu sang thị trường Hàn Quốc. Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình chia sẻ: “Trong 2 tháng 10 và 11 vừa qua chúng tôi vừa hoàn tất xuất khẩu 22.000 tấn gạo sang Hàn Quốc. Hiện tại công ty lại trúng thầu tiếp 15.000 tấn và đang đẩy nhanh tiến độ để kịp giao hàng đúng hạn”.

Từ đầu năm 2021 đến nay, doanh nghiệp (DN) này đã xuất khẩu được 177.000 tấn sang thị trường nhiều nước, đạt doanh thu trên 30 triệu USD. Dự kiến đến cuối năm nay, xuất khẩu gạo của DN đạt 190.000 tấn. Riêng thị trường Hàn Quốc, trong 11 tháng qua, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã trúng thầu và xuất khẩu hơn 48.400 tấn gạo các loại, chiếm 93% tổng khối lượng mà Hàn Quốc chào thầu dành cho gạo Việt Nam năm 2021.

Còn tại Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) cũng đang hối hả chạy những đơn hàng mới sang thị trường Châu Âu. TGĐ Vinanutrifood Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, quá trình tìm hiểu, nhận thấy cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu rất lớn về hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng nông sản, đặc sản mang đậm hương vị của quê hương. Đây là cơ sở và động lực để Vinanutrifood xúc tiến, kết nối và mang về những hợp đồng xuất khẩu vào EU.

Đặc biệt, trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu đặc sản 3 miền càng lớn. Do đó, Vinanutrifood tập trung xuất khẩu vào các sản phẩm như: Mộc nhĩ, nấm khô, bún, miến, phở, bánh chưng, bánh pía, kẹo lạc… “TRung bình mỗi tháng Vinanutrifood xuất sang EU khoảng 17-18 container. Nhu cầu của thị trường này rất lớn, trong khi nguồn cung đạt tiêu chuẩn chưa tương xứng nên DN đang nỗ lực hỗ trợ các hợp tác xã, đơn vị sản xuất để có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn đối với thị trường khó tính này" - bà Nguyễn Thị Diễm Hằng thông tin thêm.

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các DN chế biến thủy sản cũng đang guồng tốc độ để kịp xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản chủ lực sang thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ đang là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Lũy kế 10 tháng năm 2021, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ đạt 892,7 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. VASEP cũng dự kiến, từ nay đến hết năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng và đà tăng trưởng này sẽ kéo dài đến quý I/2022.

Tăng trưởng ngoạn mục về giá trị xuất khẩu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 11/2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020, cán sát mốc mục tiêu 44 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 19 tỷ USD, tăng gần 14%; lâm sản chính đạt 14,3 tỷ USD, tăng 21%…

 Xuất khẩu vải thiều sang EU hồi tháng 6/2021

Xuất khẩu vải thiều sang EU hồi tháng 6/2021

Đánh giá về nguyên nhân xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng ngoạn mục, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, kết quả này là sự thừa hưởng từ hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp trong thời gian qua khi xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chí cho các thị trường xuất khẩu. Theo ông Phùng Đức Tiến, năm nay khi thị trường Trung Quốc gặp khó, các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng tìm hướng đi mới, tận dụng được lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do để chinh phục thị trường Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phân tích, xuất khẩu 11 tháng năm 2021 ước đạt 299,6 tỷ USD (tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020). Trong số đó, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đóng góp gần 25,2 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ gia tăng về số lượng, mà giá xuất khẩu nông sản trong 11 tháng qua đã đạt cao hơn, nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu biểu như xuất khẩu sắn tăng tới 64,7% về trị giá, tăng 47,1% về sản lượng; xuất khẩu cao su tăng 11,7% về lượng, tăng 40,5% về trị giá; xuất khẩu hạt tiêu mặc dù giảm 6,7% về lượng nhưng tăng tới 44% về giá trị kim ngạch…

Đơn cử như Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Mỹ đạt trên 12 tỷ USD; thị trường Trung Quốc đạt gần 8,4 tỷ USD; Nhật Bản gần 3 tỷ USD và Hàn Quốcđạt khoảng 1,9 tỷ USD… Đáng chú ý, Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận trong việc giải quyết vấn đề nhập khẩu và sử dụng gỗ bị khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp. Đây là cơ hội lớn cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là năm 2022, khi xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới hơn 67% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Để tận dụng cơ hội hồi phục, tăng tốc xuất khẩu nông lâm thủy sản, công tác xúc tiến thương mại tháng cuối năm được Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tập trung vào mở cửa thị trường nông sản với các nước. Trong đó trọng tâm là kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc; các thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) tới các địa phương, DN, hiệp hội.

Dự kiến xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ năm 2021 đạt từ 14-15 tỷ USD; thủy sản đạt từ 8,4-8,5 tỷ USD; rau quả đạt từ 3,4-3,5 tỷ USD; các mặt hàng khác như gạo, cà phê, caosu, hạt điều đều được dự báo mang về từ 3-3,6 tỷ USD mỗi loại. Những con số trên cho thấy chắc chắn nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sẽ đạt kim ngạch ít nhất trên 44 tỷ USD, đạt mục tiêu phấn đấu của ngành nông nghiệp vượt 2 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến