Cấp bách tìm thị trường tiêu thụ cho thanh long

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:35, 07/01/2022

(VLR) Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), quý I/2022, cả nước có khoảng 300.000 tấn thanh long vào vụ thu hoạch, cần kết nối tiêu thụ. Trong khi đó, phía Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu từ ngày 29/12/2021 đến 26/1/2022. Do đó, các vùng trồng trọng điểm đang chịu áp lực lớn về tiêu thụ thanh long từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Giá thanh long tại Bình Thuận và Long An giảm mạnh, gây thiệt hại lớn cho người trồng

Giá thanh long tại Bình Thuận và Long An giảm mạnh, gây thiệt hại lớn cho người trồng

Để chung tay cùng các địa phương, sáng 06/01, Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức phiên kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long. Từ đó có hướng thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bằng đường biển; giới thiệu các thị trường nhập khẩu thanh long tiềm năng; đồng thời khuyến cáo các địa phương tập trung quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long… bảo đảm yêu cầu xuất khẩu vào nhiều thị trường khác nhau.

Hàng tồn ứ, giá giảm sâu

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 33.500 ha trồng thanh long với sản lượng gần 695.000 tấn/năm, cao nhất cả nước. Tiếp theo là tỉnh Long An, diện tích 11.800 ha, sản lượng 316.000 tấn/năm; tỉnh Tiền Giang có 9.600 ha, sản lượng hơn 241.000 tấn/năm. Tính riêng các tỉnh phía nam, sản lượng thanh long trong tháng 01/2022 đã đạt gần 120.000 tấn. Còn tính chung cả nước, sản lượng thanh long cả năm khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng này lại không phân bố đều: quý I khoảng 300.000 tấn, quý II khoảng 150.000 tấn, quý III khoảng 400.000 tấn, và quý IV khoảng 500.000 tấn. Như vậy, Quý IV và I tập trung khoảng 60% sản lượng, nên áp lực tiêu thụ càng lớn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận Huỳnh Cảnh cho biết: Hiện giá thanh long thu mua tại các nhà vườn chỉ vào khoảng 4.000 đồng/kg, bán đổ đồng không phân loại. Cách đây một tháng, giá thanh long vào khoảng 14.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất ở mức 10.000 đồng/kg; người trồng thua lỗ khoảng 6.000 đồng/kg, chưa kể công chăm sóc. Tại Long An, giá thanh long chủ yếu cũng chỉ ở mức 5.000 đồng/kg. Một số sản phẩm loại 1 thường dành cho xuất khẩu giá khoảng 15.000 đồng/kg; loại 2 khoảng 10.000 đồng/kg nhưng sức mua rất yếu. “Với sản lượng 26.000 tấn thu hoạch từ giờ đến Tết Nguyên đán, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, nên khi các đường biên gần như đóng cửa hoàn toàn đã gây khó khăn rất lớn cho đầu ra sản phẩm, nguy cơ giá còn tiếp tục giảm sâu”, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An Nguyễn Quốc Trịnh nhấn mạnh. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh thông tin: Trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết các thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho thanh long trong tỉnh đã tạm dừng thu nhận hàng, khiến khó chồng khó, địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu.

Thời gian qua, Long An cũng tồn khoảng 200 xe thanh long tại cửa khẩu phía Bắc; Bình Thuận tồn khoảng 400 - 500 xe. Mặc dù nhiều xe đã quay đầu về bán tại thị trường nội địa theo phương thức xả hàng, giảm lỗ nhưng giá bán quá thấp cũng không bù đắp được bao nhiêu.

Thực tế, thanh long là một mặt hàng xuất khẩu thế mạnh trong lĩnh vực rau củ quả của Việt Nam. Năm 2021, giá trị xuất khẩu rau củ quả đạt 3,52 tỷ USD thì riêng xuất khẩu thanh long đạt gần 1 tỷ USD. Về vấn đề cấp mã số vùng trồng cho thanh long, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Lê Văn Thiệt cho biết: Tổng số mã số vùng trồng đã cấp cho thanh long là 640, diện tích đạt hơn 40.000 ha (61,9% diện tích trồng cả nước), chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand. Trong đó, thị trường Trung Quốc có 247 mã số, chiếm 39,2% tổng mã số được cấp; thị trường Hoa Kỳ có 147 mã số, chiếm 23,3%.

Mở hướng xuất khẩu tới nhiều thị trường

Hiện nay, thị trường xuất khẩu thanh long chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, chiếm khoảng 90% sản lượng. Hệ quả của việc “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” đã rõ khi Trung Quốc siết chặt điều kiện xuất, nhập khẩu do dịch Covid-19, rồi tiếp theo là ra thông báo ngừng nhập khẩu đến cuối tháng 1/2022 đã đẩy thanh long vào tình trạng không biết xuất bán đi đâu, trong khi hầu hết các địa phương đều hạn chế về cơ sở hạ tầng bảo quản sản phẩm; thiếu hoặc thậm chí không có cơ sở chế biến sâu để giải quyết lượng lớn thanh long tươi. Chính vì vậy, giải pháp cấp bách hiện nay theo đề xuất của Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit Nguyễn Khắc Huy, các doanh nghiệp cần chuyển hướng từ xuất hàng theo đường bộ sang xuất theo đường biển; và muốn vậy, cần giải quyết vấn đề thiếu vỏ container.

Sơ chế thanh long tại Công ty Cổ phần Lavifood (Long An)

Sơ chế thanh long tại Công ty Cổ phần Lavifood (Long An)

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng nêu rõ: Tại thời điểm này, việc xuất khẩu sang Trung Quốc là rất khó, nên các địa phương, doanh nghiệp cần hướng về thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh trọng điểm trồng thanh long là Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những phương án, giải pháp phối hợp, tổ chức các phiên kết nối tiêu thụ thanh long tại địa phương để mời gọi doanh nghiệp trên cả nước chung tay tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Thanh long còn rất nhiều cơ hội thâm nhập vào các thị trường chất lượng cao, giá cao như Nhật Bản, Mỹ, Australia, New Zealand… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sản phẩm phải đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt của nước nhập khẩu. Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh thông tin: Thời gian qua, các đơn vị, công ty của Nhật Bản rất mong muốn được kết nối với doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm trái cây tươi cũng như sản phẩm chế biến. Từ năm 2009, Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu sản phẩm thanh long ruột trắng của Việt Nam. Năm 2017, quả thanh long ruột đỏ đã được cấp phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Mặc dù nhu cầu lớn nhưng Nhật Bản lại có những yêu cầu cao về quy chuẩn, tiêu chuẩn nên doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam cần tìm hiểu kỹ. Mặt khác, ông Tạ Đức Minh cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu sang thị trường Nhật Bản vì hiện những nông sản của Việt Nam xuất sang phần lớn là sản phẩm tươi, có thời gian bảo quản ngắn trong khi hệ thống phân phối tại thị trường nội địa Nhật Bản khá phức tạp, ảnh hưởng đến thời hạn sử dụng của nhiều mặt hàng.

Không chỉ Nhật Bản, Ấn Độ cũng có nhu cầu rất lớn về thanh long. Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng cho biết: Ấn Độ là thị trường 1,4 tỷ dân, tỷ lệ người ăn chay và thói quen sử dụng hoa quả rất nhiều, do đó nhu cầu hằng năm về mặt hàng này rất lớn. Hằng năm Ấn Độ nhập khẩu 95% thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam… Năm 2019-2020, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước, ở mức hơn 11.000 tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD. Năm 2020-2021, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% do tác động của dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, ông Bùi Trung Thướng cũng khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu đa dạng hóa sản phẩm, tích cực tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại, chủ động giao lưu, kết nối và trao đổi với đối tác, thận trọng trong quá trình đàm phán, ký kết, lưu ý về bao bì nhãn mác sản phẩm để bảo đảm xuất hàng thuận lợi vào thị trường Ấn Độ.

Báo Nhân dân