Lực đẩy WTO giúp kinh tế Việt Nam “cất cánh”

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:14, 11/01/2022

(VLR) Từ một nền kinh tế chậm phát triển, sau 15 năm trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã vươn lên nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, đồng thời là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. WTO tiếp tục là động lực thúc đẩy, đưa kinh tế Việt Nam “cất cánh” trong giai đoạn tiếp theo.

Vận chuyển hàng xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng (TP. Hải Phòng)

Vận chuyển hàng xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng (TP. Hải Phòng)

Xuất khẩu tăng gấp 7 lần

Ngày 11/01/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra cánh cửa để đất nước hội nhập sâu rộng và tích cực vào "sân chơi" thương mại toàn cầu. Sau 15 năm là thành viên WTO, kinh tế Việt Nam đã có sự bứt phá liên tục, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, trong đó điểm sáng là hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Theo Bộ Công Thương, đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã vươn ra hầu hết các thị trường trên thế giới, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Nếu năm 2006, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 39,8 tỷ USD), thì đến năm 2021 đã lên tới 668,5 tỷ USD (xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD), tăng hơn 7 lần so với năm 2006.

Đáng chú ý, cán cân thương mại được cải thiện rõ nét. Từ năm 2006, Việt Nam liên tục nhập siêu với đỉnh điểm là 14,2 tỷ USD năm 2007, nhưng kể từ năm 2016, cán cân thương mại đảo chiều, xuất siêu tăng dần qua các năm, với mức kỷ lục trên 19 tỷ USD năm 2020. Năm 2021, Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD dù chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Cùng với đó, tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tăng từ 80,3% kim ngạch xuất khẩu năm 2016 lên mức 85,1% năm 2020 và gần 89,2% trong năm 2021. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD cũng tăng nhanh từ 9 mặt hàng năm 2006 lên 25 mặt hàng năm 2016 và 35 mặt hàng vào cuối năm 2021 (trong đó 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đánh giá: “Dấu ấn WTO được ghi nhận rõ nét trong việc đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) và chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu liên tục từ năm 2016 đến nay”.

Đáng nói, cơ hội còn được chia đều cho cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi Việt Nam gia nhập WTO. Trưởng phòng Xuất khẩu Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú Hoàng Thị Hương cho biết, hội nhập đã thúc đẩy doanh nghiệp thích ứng với những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường lớn và tự tin vươn ra thế giới. Từ chỗ chỉ sản xuất các mặt hàng phục vụ thị trường nội địa, sản phẩm nhựa Anh Tú đã xuất khẩu tới các thị trường “khó tính” như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Báo cáo Rà soát thống kê thương mại thế giới năm 2020 của WTO đã ghi nhận, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019. Đến năm 2021, Việt Nam đã nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

Theo các chuyên gia, việc gia nhập WTO và ký kết 15 hiệp định thương mại tự do là cú hích quan trọng giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Nếu WTO là bước hội nhập theo chiều rộng, thì các hiệp định thương mại là bước hội nhập theo chiều sâu, trong đó WTO là nền tảng với hơn 160 đối tác thành viên. Khi doanh nghiệp và nền kinh tế có nền tảng tốt thì có thể tiến những bước dài. Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, việc thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, khuôn khổ của WTO 15 năm qua đã giúp doanh nghiệp và nền kinh tế từng bước phát triển. Nhờ đó, khi thực thi các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế đã nhanh chóng bắt nhịp, tận dụng các ưu đãi có được mà không vấp phải “cú sốc” nào.

Còn Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái nhận định, việc thực thi các hiệp định thương mại giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế về lâu dài. Tính chung đến nay, cả nước có khoảng 34.500 dự án đầu tư đến từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký trên 408 tỷ USD. Năm 2021, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn đạt khoảng 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu như Samsung, Microsoft, LG, Adidas, Nike... đã chọn Việt Nam là điểm dừng chân.

Theo các chuyên gia, tuy xuất khẩu tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài tăng lên những năm gần đây. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn. Ngoài ra, năng suất lao động và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin chưa cải thiện; hệ sinh thái hạ tầng khu công nghiệp chưa đầy đủ; hạ tầng giao thông, logistics còn thiếu đồng bộ.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang nhận định, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế một cách thực chất, cải thiện hơn nữa khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh tới nỗ lực trong việc nhận diện và giải quyết những khó khăn, thách thức trước sự thay đổi mạnh mẽ của thế giới; đáp ứng đầy đủ hơn các chuẩn mực thể chế kinh tế thị trường của WTO. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất và sức cạnh tranh cả vĩ mô và vi mô.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách thương mại một cách toàn diện, đồng bộ và hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đi liền với tăng trưởng bền vững, nâng cao đời sống người dân và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả; nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng và quy tắc xuất xứ hàng hóa…

Hà Nội mới