Thu phí hạ tầng cảng biển: Tính kỹ để không làm khó doanh nghiệp

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:26, 08/01/2022

(VLR) Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, nhiều doanh nghiệp đang đề nghị miễn, giảm phí hạ tầng cảng biển cho hàng quá cảnh tại các cảng như Hải Phòng và TP. HCM nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính.

Các hiệp hội, doanh nghiệp và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị về việc giảm phí hạ tầng cảng biển

Các hiệp hội, doanh nghiệp và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị về việc giảm phí hạ tầng cảng biển

Chưa hợp lý?

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, thời gian qua Bộ này nhận được văn bản của các cơ quan, tổ chức phản ánh về phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa tại hai thành phố Hải Phòng và TP. HCM.

TP. Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND vào ngày 13/12/2016 quy định mức thu; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng (gọi tắt là phí dịch vụ hạ tầng cảng biển). Sau Hải Phòng, TP. HCM dự kiến thực hiện mô hình này từ ngày 01/4/2022.

Trên thực tế, trung bình mỗi năm Hải Phòng thu xấp xỉ 1.500 tỷ đồng chỉ từ phí dịch vụ hạ tầng cảng biển. Còn tại TP. HCM, ước tính với lượng hàng hoá qua cảng nằm tốp đầu cả nước, nguồn phí này sẽ đem lại cho ngân sách thành phố khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các hiệp hội, doanh nghiệp và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị việc thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa là chưa hợp lý, chưa đúng đối tượng. Loại phí này còn làm tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải đường thủy.

Chưa kể, đối với một số doanh nghiệp vận tải, hàng quá cảnh, chuyển khẩu chỉ luân chuyển trong khu vực nội bộ cảng và chuyển đi bằng đường thủy, không gây ùn tắc giao thông. So với các doanh nghiệp vận tải đường bộ, những doanh nghiệp này không sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ trong khu vực cửa khẩu cảng biển; như vậy việc thu phí đã thực sự phù hợp hay chưa?

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), phí hạ tầng cảng biển của một số doanh nghiệp lên tới chục tỷ đồng/năm. Còn theo Cục Đường thủy nội địa, chi phí của doanh nghiệp vận tải thủy sẽ tăng khoảng 330 tỷ đồng/năm do mức phí này.

Do vậy, các hiệp hội, bao gồm Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam, Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam… các doanh nghiệp và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nhiều lần kiến nghị trực tiếp với TP. Hải Phòng và TP. HCM về việc miễn, giảm phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy.

Tránh “phí chồng phí”

Trên thực tế, bên cạnh tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, việc thu phí còn có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng hàng hóa qua khu vực cảng biển. Mặc dù TP. HCM chưa triển khai thu phí dịch vụ hạ tầng cảng biển nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải phía Nam đã bày tỏ sự lo ngại trước quyết định này.

Đại diện Công ty CP Vận tải thủy Tân Cảng phân tích, khi TP. HCM thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy, hàng quá cảnh đi Campuchia có nguy cơ cao dịch chuyển sang các cảng biển khác ở trong khu vực, như cảng Sihanoukvile của Campuchia hay cảng Laemchabang của Thái Lan bởi họ không thu loại phí này. Chưa kể, TP. HCM còn đang đứng trước sự cạnh tranh của các cảng biển lân cận trong nước.

Không thể phủ nhận nhờ có được quy hoạch toàn diện và sự linh hoạt trong thực hiện quy hoạch, Việt Nam đã có hệ thống cảng biển đồng bộ trải dài cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng – một trong hai khâu đột phá đối với ngành GTVT nói chung, lĩnh vực hàng hải nói riêng. Cảng biển đang đóng vai trò đầu tàu kéo vận tải biển, dịch vụ logistics phát triển, giúp cho các doanh nghiệp vận tải biển đã bắt đầu có lãi, đứng chân được trên thị trường hàng hải.

Hơn nữa, năm 2021 còn đánh dấu bước phát triển đặc biệt của các cảng biển Việt Nam tại Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu khi đã lọt vào danh sách 50 cảng biển thông qua lượng hàng container lớn nhất trên thế giới. Nhiều khu vực cảng biển cũng thông báo mức tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cao; như khu vực Quảng Ngãi tăng 37%, khu vực Quy Nhơn tăng 16%, khu vực Hải Phòng tăng 9%....

Tín hiệu này cho thấy hạ tầng dịch vụ cảng biển tại Việt Nam ngày càng được chú trọng và nâng cao chất lượng, nhằm đem đến hiệu quả cao trong lưu thông hàng hoá. Như vậy, việc thu phí này đối với các doanh nghiệp vận tải đường bộ có sử dụng hạ tầng cầu tàu, bến bãi, đường sá,… cũng là hợp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch bệnh, quyết định này cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn và áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế, tránh trường hợp “phí chồng phí” tạo thêm nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải vốn đã khó khăn vì dịch bệnh.

Theo Bộ GTVT, đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa bị ảnh hưởng, gián đoạn do các nước áp dụng biện pháp kiểm soát phòng dịch. Nhiều cảng biển lớn tại Mỹ, châu Âu, Trung Quốc bị tắc nghẽn làm tàu phải neo đậu dài ngày chờ cầu, container bị lưu trên tàu, kho bãi, dẫn đến tình trạng thiếu container rỗng, thiếu chỗ trên tàu, chi phí vận tải tăng cao, ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Do vậy, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị HĐND và UBND TP. Hải Phòng, TP. HCM xem xét kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp về việc miễn, giảm phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng quá cảnh, chuyển khẩu vận chuyển bằng đường thủy nội địa.

Báo Pháp luật