Mở rộng cơ hội hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực logistics
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 07/01/2022
Việc phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới phụ thuộc rất lớn vào việc kết nối lại các mắc xích của ngành logistics cũng như việc kết nối chuỗi cung ứng giữa các quốc gia
Việt Nam là đối tác uy tín, tích cực
Ngành logistics đóng vai trò như một trong những ngành xương sống, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong những năm qua, ngành logistics đã có những bước tiến rất đáng kể. Theo số liệu xếp hạng các quốc gia mới nổi ngành logistics, Việt Nam xếp hạng 8/50 quốc gia (số liệu năm 2020), tăng 3 bậc so với năm trước đó. Cùng trong năm 2020, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng GDP dương, trong khi hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ khác đều tăng trưởng âm do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh ngay cả khi thương mại toàn cầu tổn thương vì đại dịch COVID-19. Giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vẫn gia tăng tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất nhập khẩu, xuất khẩu Việt Nam đạt 510,46 tỷ USD, tăng 23,6%, tương ứng tăng 97,36 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ: “Việc tham gia tích cực, toàn diện vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó phải kể đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo ra những cú hích về thương mại quốc tế, đưa Việt Nam đang trở thành đối tác tích cực, uy tín, điều này cho thấy sức bậc và khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022”.
Đối mặt với những diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thể hiện sự quyết liệt trong phòng chống dịch, ổn định sản xuất, lắng nghe nguyện vọng của các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó tạo tin tưởng và tiền đề để tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến 20/9, tổng vốn đăng ký, cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sản xuất tập trung, phân vùng và tối đa hóa lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Những yếu tố trên tiếp tục là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành logistics tại Việt Nam nói riêng, khi mà dư địa phát triển của ngành logistics Việt Nam là rất lớn. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam xác định logistics là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế, vì vậy Chính phủ luôn khuyến khích trong đầu tư hợp tác phát triển ngành logitsics Việt Nam.
Triển vọng hợp tác ngành logistics Việt Nam với các quốc gia
Trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có khi dịch COVID-19 đang tiếp tục đe dọa và bùng phát mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, gây ách tắt trong lưu thông hàng hóa, thiếu nguồn nhân lực, vật lực hoạt động trong ngành logistics. Rất nhiều khó khăn đã xuất hiện như hạn chế vận tải đường bộ, đường hàng không, đường biển, hạn chế thông quan hoặc thông quan có điều kiện với nhiều loại hàng hóa, thiếu container vận tải, nhân lực vận hành kho bãi, cảng biển, trạm trung chuyển… Logistics chính là sự kết nối giữa các chuỗi cung ứng đa khu vực, đa quốc gia. Do đó, những khó khăn trên ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.
Việc phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới phụ thuộc rất lớn vào việc kết nối lại các mắc xích của ngành logistics cũng như việc kết nối chuỗi cung ứng giữa các quốc gia
Có thể khẳng định rằng, việc phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới phụ thuộc rất lớn vào kết nối lại các mắc xích của ngành logistics cũng như việc kết nối chuỗi cung ứng giữa các quốc gia. Vì vậy, các hoạt động xúc tiến giao thương kết nối trong lĩnh vực logistics là hết sức quan trọng và cần thiết, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên toàn thế giới tăng mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị Giao thương quốc tế logistics 2021, ông Jeffey Tan, Trưởng ban Phát triển và Công nghệ thông tin Tập đoàn YHC Singapore cho biết, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho đầu tư, nhất là trong lĩnh vực logistics. “Hiện nay, Tập đoàn YCH đã triển khai dự án ICD tại tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là dự án tạo ra mạng lưới giúp kết nối giữa Singapore với Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc là khu đa chức năng, phục vụ nhu cầu giao nhận, xếp dỡ, lưu kho và phân phối hàng hóa, là điểm thông quan hàng hóa nội địa, đầu mối giao thông và giao nhận vận tải đa phương thức quan trọng của khu vực đồng thời hỗ trợ, dịch vụ gia tăng”.
Ông Kabir Ahmed, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Bangladesh (BAFAFA) cho biết, Việt Nam và Bangladesh đã thiết lập quan hệ ngoại giao tốt đẹp, chia sẻ những giá trị về độc lập, tự do và sự hợp tác phát triển. Cả 2 quốc gia đang nỗ lực gia tăng gấp đôi sản lượng xuất nhập khẩu, thúc đẩy giao thương giữa 2 quốc gia. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Bangladesh với giá trị rất lớn, 546 triệu USD với đa dạng nhiều loại hàng hóa.
“Với truyền thống hợp tác tốt đẹp, tôi khuyến nghị các cơ quan ban ngành có liên quan tạo điều kiện hơn nữa hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với Bangladesh (B2B). Trong tương lai, chúng tôi sẽ có những chuyến viếng thăm tất cả các cảng tại Việt Nam, nhận diện những lĩnh vực có thể khai thác hợp tác cùng phát triển”, ông Kabir Ahmed chia sẻ.